Còn dịch, bảo hiểm sức khỏe còn đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, tăng trưởng doanh thu phí mới của bảo hiểm sức khỏe trong quý II/2021 có thể sẽ không lớn như quý I/2021 (hơn 50%), nhưng khi dịch còn diễn biến phức tạp thì cơ hội đi lên còn rộng mở.
Cơ hội tăng trưởng cao đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vẫn rộng mở. Ảnh: Shutterstock Cơ hội tăng trưởng cao đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vẫn rộng mở. Ảnh: Shutterstock

“Nhu cầu bảo hiểm nhân thọ nói chung và bảo hiểm sức khỏe nói riêng ngày càng tăng khi gần 80% người được khảo sát có ít nhất một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe để cảm thấy yên tâm hơn thời dịch bệnh”, đây là một phần thông tin của cuộc khảo sát đối với hơn 3.000 người trưởng thành Việt Nam về hành vi, sự thích ứng với đại dịch Covid-19 vừa được IPSOS - một trong những công ty chuyên nghiên cứu thị trường tại Việt Nam công bố.

Cụ thể, theo khảo sát này, 79% người được hỏi đã có bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe, 73% đang có ý định mua/mua thêm bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe trong năm nay. 50% số người tham gia khảo sát cũng cho biết, sẽ hạn chế hoạt động đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và 32% người tham gia khảo sát nói rằng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào các sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm.

Một điểm đáng lưu ý là, có đến 80% người tham gia khảo sát cho biết sẽ mua bảo hiểm có tính bảo vệ và 14% sẽ mua các sản phẩm bảo hiểm có tính tiết kiệm. Khảo sát cũng cho thấy, 63% người muốn mua bảo hiểm qua tư vấn đại lý của công ty bảo hiểm, 20% qua các kênh trực tuyến và 17% qua kênh ngân hàng.

Tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù tổng doanh thu phí bảo hiểm khối này chỉ tăng trưởng 6% trong quý I/2021, nhưng một số sản phẩm chủ chốt vẫn tăng trưởng cao, trong đó có sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với mức tăng 87% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát trên phần nào cho thấy xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu về bảo hiểm của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay để các nhà bảo hiểm có thể nắm bắt. Cùng với đó là sự linh hoạt trong phát triển sản phẩm, hệ sinh thái dịch vụ cũng như các phương thức bán bảo hiểm đã và đang tiếp tục được các hãng bảo hiểm mở rộng và hoàn thiện.

Ngoài ra, trước những biến động từ thị trường, các hãng bảo hiểm cũng kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ ngoài hợp đồng cho cả khách hàng, đại lý và nhân viên của mình. Đơn cử, mới đây, AIA Việt Nam đã quyết định dành 5 tỷ đồng tài trợ cho hoạt động tiêm vắc-xin Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, đại lý và khách hàng của Công ty. Bên cạnh đó, nhà bảo hiểm này còn đóng góp 2 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hầu hết các hãng bảo hiểm nhân thọ đều đưa ra những gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng cũng như nhân viên của hãng nếu không may dương tính với Covid-19, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, AIA Việt Nam là nhà bảo hiểm đầu tiên công bố chính sách hỗ trợ chi phí tiêm vắc-xin Covid cho khách hàng.

Thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực lên ngành kinh doanh bảo hiểm, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, tăng trưởng doanh thu phí mới của bảo hiểm sức khỏe trong quý II/2021 sẽ không lớn như quý I/2021 (hơn 50%), nhưng cơ hội đi lên vẫn còn khi nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe ngày một tăng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần tăng trưởng doanh thu phí mới thuộc tốp dẫn đầu thị trường cho biết, với tốc độ tăng trưởng các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe lên đến 70-80% như hiện nay, cơ hội để đẩy mạnh dòng sản phẩm này là rộng mở, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần thiết kế được sản phẩm phù hợp với diễn biến dịch bệnh cũng như nhu cầu của khách hàng ở từng thời điểm cụ thể.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục