Dẫn câu chuyện về một thương vụ M&A, mà cũng dẫn tới những đề xuất về việc ghép tên thương hiệu, bạn Hoài Thu - trên fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, đã nhắc tới một sự thật là, việc ghép tên đã “hoàn toàn thất bại”. Không ít thương vụ M&A cũng dẫn tới tình trạng như vậy.
CEO của Chương trình (giữa) lắng nghe hai vị chuyên gia tư vấn về chuyện nên hay không ghép tên thương hiệu hiệu M&A
Bởi thế, mới có chuyện một doanh nghiệp gia đình có lịch sử hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, rất thành công và đang sở hữu một thương hiệu rất nổi tiếng, băn khoăn nên giữ thương hiệu cũ hay ghép tên với đối tác - chuyên hoạt động trong lĩnh vực rạp chiếu phim và văn phòng cho thuê - dự định mua cổ phần của doanh nghiệp họ.
Nếu ghép tên, thì CEO phản đối, vì cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với thương hiệu bánh kẹo hiện tại của công ty. Còn thương hiệu của đối tác tuy có nổi tiếng nhưng tại Việt Nam nó chỉ gắn liền với hình ảnh của rạp chiếu phim và văn phòng cho thuê, không gắn liên quan đến bánh kẹo. Khi ghép lại sẽ làm giảm sức mạnh của thương hiệu hiện tại của công ty.
Nhưng nếu không ghép, các cổ đông lại “tiếc của”. Lý lẽ của họ là, đối tác đến từ Hàn Quốc có nhiều tiềm lực, có nhiều kinh nghiệm. Khi đề nghị hợp tác trong mảng bánh kẹo tức là họ có chủ trưởng đẩy mạnh sự phát triển của mảng này tại Việt Nam. Do đó, nếu có chiến dịch truyền thông bài bản, thì sau một thời gian, khách hàng sẽ quen thuộc với thương hiệu sản phẩm ngay.
“Cảm xúc và niềm tin của khách hàng rất quan trọng, việc thay đổi tên rất dễ ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp”, bạn Hoàng Nam Vũ bày tỏ.
Trong khi đó, bạn Vũ Đức Hoàng lại nhắc đến một thực tế là, đối với doanh nghiệp gia đình, thương hiệu không chỉ là tài sản doanh nghiệp mà còn mang giá trị tinh thần, nên hầu hết các thương vụ M&A của Việt Nam thường giữ nguyên tên tuổi của mình.
Nhưng ngược lại, vẫn có những ý kiến ủng hộ các cổ đông. Như bạn Thu Hiền cho rằng, xu hướng hậu M&A của thế giới, chuyện lựa chọn các thương hiệu mạnh là bình thường. Thậm chí, bạn Tạ Thị Hoa thẳng thắn ủng hộ.
“Việc doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước ghép tên với doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ có lợi thế khi xuất khẩu và tham gia vào thị trường quốc tế”, bạn Tạ Thị Hoa bày tỏ.
Song đâu mới là sự lựa chọn đúng nhất, khi mà hai luồng ý kiến đối chọi chan chát nhau, và thực ra, quan điểm nào cũng có cái lý của nó.
“Tôi cho rằng, CEO nên quyết định và thuyết phục cổ đông bằng lý tính chứ không phải bằng cảm tính”, bạn Trương Hoài Lâm nhấn mạnh.
Nhiều quan điểm trái chiều như vậy đã được bày tỏ trên fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công. Điều đó càng chứng tỏ câu chuyện Doanh nghiệp gia đình - Thương hiệu hậu M&A thực sự đã “gãi” đúng “chỗ ngứa” của nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay.
Trong vòng xoáy của thương trường, chuyện M&A là khó tránh khỏi và nhiều khi, đó cũng là phương thức hợp lý để tăng năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng xử lý các vấn đề hậu M&A thì lại không hề đơn giản, đòi hỏi cái tài của CEO.
Vẫn ngồi ở vị trí CEO tuần này là bà Phạm Thị Yến Nhi, chủ sáng lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mầm Trúc TANABATA. Tuy nhiên, sau khi tranh luận với các cổ đông, thì tuần này, CEO sẽ nghe tư vấn của các chuyên gia.
Sự xuất hiện của ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam và ông Hoàng Hải Âu, chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu, Tổng giám đốc Hoàng Gia Media Group hứa hẹn sẽ mang lại sự hấp dẫn cho chương trình. Các tư vấn chi tiết và cụ thể của hai vị chuyên gia này sẽ không chỉ giúp CEO trong chương trình, mà cả các CEO nói chung có được những quyết định quan trọng và hợp lý cho bước đi của doanh nghiệp mình.