Cục Thuế Hà Nội vừa phát đi cảnh báo, những trường hợp bắt buộc phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2020, nếu không quyết toán có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.
Phòng tránh Covid-19 khi đi quyết toán thuế
Hôm qua, ngày 4/5/2021 là thời điểm cuối cùng quyết toán thuế TNCN năm 2020 đối với trường hợp phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế (có phát sinh số thuế phải nộp thêm sau quyết toán trên 50.000 đồng). Nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khoảng 1% số cá nhân chưa thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước. Vì vậy, Cục Thuế Hà Nội vừa phát đi cảnh báo, những trường hợp thuộc diện phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị phạt rất nặng. Thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2020 đã kết thúc vào ngày 4/5/2021, nhưng vẫn còn 5 ngày làm việc (tính từ hôm nay, ngày 5/5/2021) để cá nhân quyết toán thuế để tránh bị phạt vi phạm hành chính thuế.
Thời điểm cao trào quyết toán thuế TNCN năm 2020 rơi đúng vào lúc “siêu bão” Covid-19 đổ bộ vào Việt Nam khiến cá nhân thuộc diện phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế có phần e ngại dịch bệnh nên chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Do vậy, cơ quan thuế khuyến khích người nộp thuế thực hiện đăng ký, sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử (qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc qua đường dẫn https://canhan.gdt.gov.vn) để nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN theo phương thức điện tử mà không cần phải đến cơ quan thuế.
Còn trên địa bàn Hà Nội, trường hợp cá nhân vì lý do nào đó không thể nộp hồ sơ quyết toán bằng phương thức điện tử (khoảng 40%), buộc phải trực tiếp đến cơ quan thuế để quyết toán, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đã phân luồng công chức thuế tiếp nhận hồ sơ đảm bảo việc giải quyết hồ sơ được thực hiện nhanh chóng, đúng thủ tục.
“Trong quá trình giao dịch, công chức thuế và người nộp thuế luôn tuân thủ các quy định về phòng tránh dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội”, Cục Thuế Hà Nội cam kết.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đối với trường hợp chưa kịp quyết toán thuế TNCN năm 2020, Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo, cá nhân có số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn thuế và muốn trực tiếp đến cơ quan thuế để quyết toán thì có thể nộp hồ sơ vào bất kỳ thời điểm nào (không bị xử phạt vi phạm hành chính thuế), để tránh tập trung đông người, phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Nếu cần phải quyết toán ngay (đối với trường hợp cá nhân có số tiền hoàn thuế lớn) thì nên đăng ký, sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử để nộp hồ sơ quyết toán thuế qua trang thuế điện tử mà không cần phải mang bản giấy đến cơ quan thuế. Cá nhân có thể sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử để gửi hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, chủ động công việc và đặc biệt là tránh tập trung đông người nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp
Quyết toán chậm, tiền phạt còn nhiều hơn tiền thuế
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, kể từ năm 2021, mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ thuế rất nặng. Ngoài phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt chậm nộp mỗi ngày là 0,03% tính trên số tiền chậm nộp, người nộp thuế còn bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, mức phạt phụ thuộc vào thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Cụ thể, cá nhân chậm quyết toán thuế từ 5 ngày trở xuống kể từ ngày kết thúc quyết toán không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Cá nhân chậm quyết toán thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 - 30 ngày (trừ trường hợp chỉ bị phạt cảnh cáo nêu trên). Mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 - 60 ngày; phạt tiền từ 8 đến 15 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi: nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 - 90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 91 trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
Mức phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa bằng số tiền thuế phải nộp nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt từ 8 đến 15 triệu.
Như vậy, đối với trường hợp cá nhân phải nộp thuế TNCN bổ sung (số phải nộp theo quyết toán lớn hơn số đã tạm nộp) thuộc đối tượng quyết toán thuế trực tiếp, nếu không kịp thời quyết toán thì số tiền phạt vi phạm hành chính thậm chí bằng hoặc còn lớn hơn số tiền thuế nộp bổ sung.
Chỉ có 3 trường hợp được ủy quyền quyết toán
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, hỗ trợ (Tổng cục Thuế) các trường hợp phải thực hiện quyết toán thuế TTCN gồm cá nhân có số thuế phải nộp thêm trên 50.000 đồng; có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế. Tuy nhiên, thay vì quyết toán thuế trực tiếp, cá nhân nếu đủ điều kiện có thể ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập quyết toán thay.
“Có 3 trường hợp cá được ủy quyền gồm cho tổ chức chi trả quyết toán thay gồm, cá nhân có thu nhập duy nhất một nơi theo hợp đồng lao động; có thu nhập một nơi theo hợp đồng lao động, đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TTCN theo tỷ lệ 10%; người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng hệ thống thì cá nhân được ủy quyền cho tổ chức mới”, bà Hà cho biết.
Như vậy, các đối tượng còn lại phải quyết toán thuế với cơ quan thuế, kể cả trường hợp đủ điều kiện được ủy quyền nhưng đã được tổ chức chi trả thu nhập đã cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN; tại thời điểm quyết toán thuế, cá nhân không làm việc tại tổ chức chi trả thu nhập. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nhưng thuộc diện được xét miễn, giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo cũng phải tự quyết toán thuế mà không được ủy quyền.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ chưa đủ; có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại nhiều nơi; chỉ có thu nhập vãng lai, kể cả thu nhập vãng lai tại một nơi và đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%; chưa đăng ký mã số thuế cũng không được ủy quyền mà phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.