Ngày 2/6/2019, hàng trăm hộ dân Tòa nhà Westa, một trong các dự án do Coma 18 làm chủ đầu tư cực chẳng đã cùng treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư trả tiền quỹ bảo trì cho dân. Ðây là tổ hợp công trình bao gồm 2 khối, 21 tầng và 25 tầng nổi, thuộc Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Ðông, Hà Nội. Dự án được khởi công vào năm 2009, đến năm 2014 thì bàn giao cho cư dân.
Theo phản ánh của cư dân, dù được nhận bàn giao nhà đã 5 năm, nhưng đến nay gần 300 hộ dân tòa nhà Westa vẫn chưa được làm sổ hồng, chưa được bàn giao quỹ bảo trì. Coma 18 mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu đồng tiền phí bảo trì trên tổng số gần chục tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng đã có chỉ thị về việc yêu cầu Coma 18 bàn giao sổ hồng cũng như quỹ bảo trì cho cư dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp cứ lần lữa với lý do "không có tiền".
Coma 18 trước đây thuộc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma), Bộ Xây dựng, cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2011.
Kể từ khi niêm yết đến nay, doanh nghiệp này hoạt động sa sút, Tổng công ty Coma sau đó thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Coma 18 vào năm 2016. Tham dự cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông năm 2016, nhiều cổ đông vui mừng khi thấy doanh nghiệp “thay máu”, cán bộ, công nhân viên cũng kỳ vọng làn gió mới sẽ thay đổi Coma 18 với các dự án thủy lợi, khu công nghiệp… Nhưng rồi họ sớm thất vọng, vì doanh nghiệp sau đó hầu như không có chuyển động tích cực nào.
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Coma 18, Công ty cổ phần Ðầu tư Fidel sở hữu trên 57% cổ phần, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.
Mới đây, Coma 18 thông báo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2019, tiếp tục không khả quan. Thậm chí, Công ty còn bị HOSE đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế liên tục âm. Cụ thể, Coma 18 lỗ sau thuế 81 triệu đồng trong quý đầu năm. Nguyên nhân được Coma 18 lý giải là do doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do hoạt động kém hiệu quả. Toàn bộ nhân lực tập trung vào dự án khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Dự án chưa phát sinh doanh thu, nhưng Công ty vẫn phải trả lương nhân viên.
Trở lại với dự án Westa, sau cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Hội đồng quản trị mới của Coma 18 đã có nghị quyết về việc triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm nay, trong đó các tồn tại của dự án này là một trong những đầu việc phải xử lý.
Tại cuộc họp với cư dân tổ chức tối 5/6/2019 với sự giám sát của đại diện UBND phường Mỗ Lao, đại diện Coma 18 cho biết, doanh nghiệp đang cạn kiệt tiền mặt; từ hơn 300 cán bộ, nhân viên hiện chỉ còn 40 người; hoạt động cầm chừng… Coma 18 là con nợ, nhưng cũng là chủ nợ, với số dư phải đòi xấp xỉ 40 tỷ đồng, trong đó có những chủ đầu tư dự án đã nợ dây dưa nhiều năm như Formosa, Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Hải Phòng, Xi măng Bút Sơn.
Lãnh đạo Công ty cho biết, đang cố gắng đi đòi nợ, phấn đấu trong vòng 2 năm tới có đủ tiền để bàn giao phí bảo trì cho cư dân Westa. Còn việc làm sổ đỏ cho cư dân, do toàn bộ dự án được thế chấp vay vốn tại ngân hàng từ năm 2011 nên không đủ điều kiện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ.
Cuối năm 2015, Coma 18 lâm vào tình trạng khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản. Doanh nghiệp mất kiểm soát mọi hoạt động, tình hình tài chính mất cân đối, vốn chủ sở hữu giảm mạnh, dòng tiền thấp, áp lực thanh toán nợ đến hạn cao, Cục Thuế Hà Nội tiến hành cưỡng chế nợ thuế, nợ lương người lao động, nợ trích trả cơ quan bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng lớn, thiếu việc làm, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn…
Từ tháng 6/2016 đến nay, Coma 18 có nhiều lần thay đổi nhân sự trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành. Ban lãnh đạo mới gặp nhiều khó khăn khi vừa phải tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để khôi phục sản xuất - kinh doanh, đồng thời giải quyết các vướng mắc, tồn đọng do cơ chế quản lý cũ để lại. Nhiều khoản nợ mà Coma 18 chưa có khả năng thanh toán là nợ ngân hàng, nợ nhà thầu thi công, nợ thuế, nợ cơ quan bảo hiểm xã hội.