Cốc Cốc và chuyện cổ tích của 3 chàng ngự lâm

Lớn nhanh như thổi sau khi “trình làng” và kiên cường đọ sức với gã khổng lồ Google tại Việt Nam là câu chuyện cổ tích mang tên Cốc Cốc của 3 đồng sáng lập người Việt.

 
Cốc Cốc và chuyện cổ tích của 3 chàng ngự lâm

Dám gõ, cửa sẽ mở!

Trong cái se lạnh cuối năm, từ tầng 12, tòa nhà HITTC, số 185 đường Giảng Võ, Hà Nội, bản nhạc Happy New Year của ABBA văng vẳng. Cửa thang máy mở, đập vào mắt là nhóm bạn trẻ nước ngoài ngộ nghĩnh trong trang phục các nhân vật hoạt hình, đầu đội những chiếc nơ nhiều màu sắc. Sau những câu chúc, những cái ôm hôn, vỗ vai thật nồng ấm, họ lại lao vào công việc, dù vẫn đang trong kỳ nghỉ Noel và Tết Dương lịch.

Nhiều người trong số họ là các kỹ sư giỏi từng làm việc cho các “ông kẹ công nghệ” trên thế giới như Google, Intel, Facebook, Mail.ru... và cả những tài năng đến từ các trường đại học danh tiếng như Standford, Cambridge, Moscow State University… Nhưng hiện giờ, họ đang “đầu quân” cho Cốc Cốc - một trình duyệt đang được 18,3 triệu người Việt sử dụng và chiếm thị phần 7% tìm kiếm tại Việt Nam, chỉ sau Google.

Cũng giống như bộ phim “The Social Network” nổi tiếng nói về việc Mark Zuckerberg sáng tạo ra Facebook ngay trên giảng đường, Cốc Cốc cũng được thai nghén trong những đêm lạnh mùa đông tuyết rơi tại Ký túc xá Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Liên bang Nga), nơi 3 chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc theo học.

Thời điểm ấy, 3 chàng ngự lâm của Cốc Cốc tìm kiếm tài liệu học tập trên cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google bằng phiên bản tiếng Việt cho kết quả kém hơn phiên bản tiếng Nga. Còn người Nga lại ít dùng Google, mà chuộng sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước là Yandex. “Tại sao không tạo dựng ‘cỗ máy tìm kiếm’ cho người Việt thay thế Google ngay trên sân nhà?”, câu hỏi này cùng xuất hiện trong đầu 3 chàng trai trẻ.

Năm cuối của đại học, cả ba quyết định đầu quân cho Công ty Công nghệ Nigma.ru chuyên phát triển công cụ tìm kiếm của Nga. Lý do họ đầu quân vào đây là muốn tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức làm nền tảng cho dự án của mình và cả kiếm thêm nhu thập, điều mà phần lớn du học sinh đều làm.

Không ngờ, hồ sơ ứng tuyển của họ lại “lọt mắt xanh” của Victor Lavrenko, một nhà quản lý của Nigma.ru. Bản thảo về một công cụ tìm kiếm và trình duyệt bằng tiếng Việt của họ được Victor rất thích thú và ông còn tư vấn cho họ về quá trình xây dựng, phát triển Cốc Cốc sau này.

Thời điểm họ trở về Việt Nam, những dự án công cụ tìm kiếm tại Việt Nam như Timnhanh, xalo, hoatieu, socbay… đều đã “ngã ngựa”. Song điều này không làm những nhà sáng lập của Cốc Cốc lùi bước. Năm 2010, Cốc Cốc được thành lập. 

Cuộc “lột xác” ngoạn mục

Tạo ra một cánh cổng kết nối người Việt đi muôn phương bằng công nghệ và sử dụng tiếng Việt là mục tiêu của Bình, Thanh và Ngọc. Công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt nhanh hơn, chính xác hơn Google là điều họ hướng tới. Nhưng thuật toán, tài chính, kinh nghiệm họ đều không có. Những tưởng dự án sẽ chết yểu ngay từ ban đầu.

“Chúng tôi có nhiều lựa chọn tốt hơn rất nhiều như đi học tiếp ở nước ngoài và làm việc cho các công ty công nghệ lớn. Việc về Việt Nam để mở công ty, với chỉ 3 người làm dường như không phải là lựa chọn tốt và bền vững, nhất là khi trước đó, rất nhiều công ty Việt Nam đã thất bại khi làm về máy tìm kiếm. Thứ duy nhất chúng tôi có là niềm tin vào sự thành công của dự án”, Thanh cho biết.

Thanh cho biết, điều may mắn đối với họ là Victor Lavrenko luôn tin tưởng vào tiềm năng của Dự án và sau này trở thành CEO của Cốc Cốc. Chính ông đã thuyết phục các nhà đầu tư Nga bỏ vốn vào dự án của họ. Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc được hình thành và dần gây ấn tượng với các nhà đầu tư, củng cố niềm tin khi dần gỡ được các bài toán khó về công nghệ mà các nhà phát triển trước đó đã bó tay. Nhóm dự án được nhận thêm những khoản đầu tư và cả sự giúp đỡ để mang về những kỹ sư tài năng trên thế giới.

Quá trình thương mại hóa đã đặt ra cho nhóm phát triển là phải lựa chọn cho sản phẩm một cái tên thương mại thật kêu và bắt mắt. Hàng loạt cái tên được đưa ra, nhưng cuối cùng cái tên “Cốc Cốc”, âm thanh của tiếng gõ cửa vui tai và đầy niềm hy vọng mà anh chàng blogger nổi tiếng Dâu Tây tư vấn, đã được chọn.

Đầu năm 2013, thị trường ICT Việt Nam đã xuất hiện 2 sản phẩm chính của Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trình duyệt Cốc Cốc. Sản phẩm trình duyệt dựa trên nền tảng chromium (nền tảng nguồn mở cho trình duyệt mà Google, Opera… sử dụng), với tiêu chí là tập trung xây dựng cũng như phát triển trình duyệt của người Việt dành riêng cho người Việt. Cốc Cốc lọt vào top 5 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt vào tháng 5/2013.

Trong năm đầu tiên, Cốc Cốc đã tập trung nghiên cứu những nhu cầu đặc trưng của người dùng Việt Nam và lần lượt tung ra hàng loạt tiện ích phù hợp với thị trường hơn 93 triệu dân này: như dùng công nghệ download của IDM nhanh hơn đến 8 lần trong điều kiện tiêu chuẩn, truy cập Facebook dễ dàng mà không cần phải đổi DNS, hay tự động thêm dấu giúp tăng tốc độ gõ phím từ 20 đến 50%, phát hiện lỗi chính tả và đề xuất cách viết đúng với độ chính xác xấp xỉ 94%...

Còn trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, người dùng cũng có thể quy đổi đơn vị đo lường, tỷ giá ngoại tệ, tra từ điển Anh - Việt bằng cách nhấp đúp chuột lên từ cần tra, giúp người dùng đọc tiếng Anh thuận tiện hơn, không cần cài thêm phần mềm từ điển, thậm chí tỏ ra “hiểu người Việt” chính xác hơn cả công cụ đang phổ biến là Google Translate…

Năm 2014, Cốc Cốc vượt qua Internet Explorer của Microsoft và trở thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ sau trình duyệt của Google. Thậm chí, tháng 9/2014, Cốc Cốc còn “vượt mặt” cả Firefox.

Kết thúc năm 2015, trình duyệt Cốc Cốc đã đạt lượng người dùng hơn 18,2 triệu. Đến nay, Cốc Cốc vẫn là trình duyệt duy nhất tại Việt Nam có những tính năng hữu ích dành riêng cho người Việt, đồng thời đang dần hình thành chỗ đứng vững chắc trên thị trường trình duyệt Internet cạnh tranh khốc liệt. 

Tiếp tục bay xa

“Cốc Cốc chỉ đang chiếm một thị phần nhỏ của thị trường tìm kiếm tại Việt Nam. Dù đã tạo ra được một số lợi ích nhất định cho người dùng, nhưng như thế chưa đủ. Cốc Cốc còn rất nhiều việc phải làm”, Thanh cho biết và tiết lộ, thời gian tới, Cốc Cốc sẽ ra mắt trình duyệt trên Android và một dịch vụ tìm kiếm mới đánh vào thị trường ngách “sẽ gây ấn tượng lớn cho người dùng”.

Mục tiêu của Cốc Cốc trong năm 2016 sẽ là tăng từ 25% thị phần trình duyệt hiện có lên 30%, tăng thị phần lượng tìm kiếm có thể bán quảng cáo trong Cốc Cốc lên 20% và đẩy mạnh kinh doanh đối với các sản phẩm Cốc Cốc.

Hỏi Thanh về việc Cốc Cốc còn giữ tham vọng vượt mặt Google như hồi năm 2013 hay không, Thanh cười và trần tình: “Dựa trên quá trình nghiên cứu và đánh giá kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy các máy tìm kiếm hiện nay bao gồm cả Google, Yahoo và Bing đều chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm kiếm của người dùng Việt Nam. Và mục tiêu của chúng tôi là cố gắng đem đến cho người dùng một công cụ tìm kiếm thông minh và hiệu quả nhất, chứ không phải cạnh tranh với Google để trở thành máy tìm kiếm số một Việt Nam”.

Tham vọng của Cốc Cốc là một ngày nào đó sẽ làm nên kỳ tích như Yandex của Nga, Baidu của Trung Quốc, Naver của Hàn Quốc… Yandex năm 2012 có giá trị 8 tỷ USD, Baidu khi tiến hành IPO đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Nhưng ngày đó với Cốc Cốc còn quá xa xôi, có thể 10-15 năm nữa. Việc trước mắt của Cốc Cốc là tiếp tục cho ra đời những tính năng, sản phẩm, dịch vụ mới để tăng người dùng, tăng doanh thu, chứ không phải vẽ ra một tương lai hoành tráng hoặc ngồi nhấm nháp chiến thắng nhỏ nhoi trước mắt.

Nhìn con đường phát triển của Cốc Cốc, ắt hẳn nhiều người nghĩ rằng, Cốc Cốc được sinh ra trong “nhung lụa”. Thậm chí, có cả những lời đồn rằng, ngoài HBM, Cốc Cốc còn được tài trợ bởi Yandex, Mail.ru Group (công ty Internet hạng 7 thế giới), Digital Sky Technology (quỹ từng đầu tư 200 triệu USD cho Facebook) và cả Mikhail Frolkin, người sáng lập công ty chuyên “săn đầu người” HH.ru.

Cho đến nay, danh tính các nhà đầu tư vào Cốc Cốc đều đang được bảo mật và là một sự bí ẩn đầy thú vị. Nhưng chắc chắn rằng, Cốc Cốc chính là “con đẻ” của 3 chàng trai người Việt và nó thực sự đặc biệt. Minh chứng là, 14 triệu USD từ HBM (Đức) đã chọn Cốc Cốc để đầu tư, chứ không phải hàng ngàn dự án khác. Minh chứng là, Cốc Cốc đã được hàng chục triệu người đón nhận và đang tiếp tục phát triển.

Sẽ không có một Cốc Cốc nếu họ không có một niềm tin mãnh liệt, một ý chí dám nghĩ dám làm, dám lao vào lĩnh vực mà nhiều đại gia công nghệ khác ngại làm hoặc không dám làm. Đáng tiếc thay, những sản phẩm công nghệ như Cốc Cốc, Zalo, Flappy Bird hay Bphone được cả thế giới biết đến còn quá ít.

Nhưng dù sao, bằng câu chuyện của Cốc Cốc, tin rằng, nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ theo đuổi niềm đam mê của mình, sáng tạo nhiều kỳ tích, nhiều Cốc Cốc hơn nữa trong tương lai. Cứ gõ, cửa sẽ mở!

Lời khuyên dành cho các dự án start-up của Lê Văn Thanh:

- Chất xám sẽ tạo nên thành công của các dự án start-up. Những dự án mơ hồ, hàm lượng kỹ thuật nông sẽ sớm thất bại. Dự án càng đầu tư nhiều chất xám thì thành công càng lớn.

- Hãy đánh giá đúng năng lực bản thân, điều này sẽ giúp bạn tin tưởng thêm vào dự án của mình. Như Cốc Cốc, từ lúc thai nghén ý tưởng đến hiện tại, tôi luôn tin nó thành công. Ngoài ra, cần tin vào cộng sự, vào sản phẩm. Niềm tin vào sản phẩm là yếu tố quan trọng với bất kỳ ai đang có ý tưởng kinh doanh và muốn phát triển nó. Không bao giờ được từ bỏ, nếu có thất bại thì hãy tìm hiểu vì sao mình thất bại.

- Hãy đánh giá nghiêm túc về động cơ tạo thành sản phẩm. Có người làm start-up để tích lũy kinh nghiệm, có người làm để bán kiếm tiền, cũng có người dốc hết vốn liếng, tài sản vào dự án và tất nhiên kết quả cũng sẽ khác nhau.

- Trong giai đoạn đầu, tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất, chỉ cần đủ để tạo ta được sản phẩm ban đầu. Đến giai đoạn chín muồi để thương mại hóa, chớp thời cơ bán ra sản phẩm, bứt phá, chiếm thị trường, thì nguồn vốn đến đúng lúc sẽ giúp dự án thành công. Nếu nhận đầu tư càng sớm, tỷ lệ lợi nhuận còn lại của các sáng lập viên càng nhỏ cùng với sự phát triển của dự án. 

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục