Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam

(ĐTCK) Từ bỏ mức lương vài nghìn USD/tháng ở những công ty danh giá, làm việc 15 - 16 tiếng mỗi ngày, dám đương đầu với cả những ông lớn như Google,… thế hệ CEO trẻ trong giới công nghệ của Việt Nam đang từng bước khẳng định được vị thế và dần được công nhận tài năng.
Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam

Dưới đây là những chia sẻ “rút ruột” của họ về con đường khởi nghiệp bên lề sự kiện Ngày công nghệ FPT 2015 hôm 21/5/2015.

Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc

Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam ảnh 1

Lê Văn Thanh 
 

Lê Văn Thanh là một trong 3 thành viên đồng sáng lập Cốc cốc, công ty công nghệ hoạt động với mục tiêu xây dựng một công cụ tìm kiếm có thể hiểu và xử lý tiếng Việt tốt hơn bất cứ một công cụ tìm kiếm nào khác (lĩnh vực phải đương đầu với gã khổng lồ Google). Cuộc chiến sẽ không hề đơn giản, vì Cốc Cốc phải thực sự xuất sắc mới có thể thuyết phục được người dùng internet. Hiện nay, Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Google.

Lê Văn Thanh tâm sự: Ý tưởng xây dựng một phần mềm đủ thông minh để hiểu và xử lý tiếng Việt được cả nhóm gồm 6 du học sinh rất tâm đắc, nhưng đây thực sự là một thách thức không dễ chinh phục. Sau 2 tuần quyết định khởi nghiệp, nhóm chỉ còn 2 người. Về nước được nửa năm, nhóm có thêm 1 thành viên nữa. 3 người chúng tôi rất đam mê và luôn tự tin rằng sẽ làm được dự án đó, dù rằng gia đình và nhiều bạn bè không tin là có thể phát triển được dự án tại Việt Nam.

Điều khó nhất với chúng tôi không phải về tài chính mà là tìm người. Có ý tưởng rồi nhưng để thực hiện được nó, chúng tôi phải tập hợp được những người rất giỏi về công nghệ về làm cùng mình. Trong khi, đa phần bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đã có nơi mời chào và trả lương cao. Bí quá, cuối cùng chúng tôi phải liên lạc qua các thầy cô để mời các bạn sinh viên về làm việc. Họ không có nhiều kinh nghiệm nhưng có tư duy tốt, đam mê và thích chinh phục các thử thách khó. Sau rất nhiều gian khổ, cuối cùng chúng tôi đã thành công, công cụ tìm kiếm Cốc cốc đang dần có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện nay là “giữ” người, vì quả thực trong môi trường mở như hiện tại, giữ người giỏi còn khó hơn nhiều việc tìm được người.

Một  kinh nghiệm nữa tôi muốn chia sẻ là quan điểm về tìm vốn đầu tư. Với các cá nhân hoặc nhóm khởi nghiệp, tài chính luôn là vấn đề lớn. Với Cốc Cốc, chỉ 1 tuần sau khi có ý tưởng, nhóm đã thu hút được 30.000 USD.Sau đó, rất nhiều nhà đầu tư khác đã đặt vấn đề và bỏ vốn cho Công ty (DN đã thu hút được 14 triệu USD từ một quỹ đầu tư Đức). Song, các bạn cần lưu ý là người ta đầu tư càng sớm, % giữ lại của mình (những người sáng lập) sẽ càng nhỏ và có lẽ sau này là thiệt thòi cho mình. Bởi vậy, nếu thời gian quay ngược lại, có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa, nếu như không thể tự lập về tài chính thì mới kêu gọi vốn đầu tư.

Đặng Công Nguyên,Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eway


Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam ảnh 2

Đặng Công Nguyên
 

Thành lập năm 2009, Eway là công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực tiếp thị liên kết sản phẩm và dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động tại Việt Nam hiện nay.

Đề cao tính sáng tạo nên văn phòng làm việc của Eway được bố trí và thiết kế khá đặc biệt. Ngoài bộ phận kế toán làm việc trong không gian truyền thống như các doanh nghiệp khác, các bộ phận của Eway không bị ngăn cách bởi những bước tường cố định. Văn phòng có trang bị khu vực chơi game, bida, bi lắc, khu vực ăn, ngủ cho nhân viên.

Đặng Công Nguyên chia sẻ rằng, DN Việt Nam nhỏ thường tự “chết” do mâu thuẫn nội bộ chứ không phải do cạnh tranh. Quan điểm của Eway là làm ra những sản phẩm mà mình hứng thú, làm để DN tăng trưởng và những sản phẩm có dưới 1 triệu người dùng thì sẽ không làm.

“Eway sau 6 năm đã kiếm được không ít lợi nhuận tích lũy. Từ 2 năm trước, chúng tôi đã có ý tưởng làm sản phẩm edoctor nhưng vẫn chưa thực hiện được vì khả năng về công nghệ chưa đủ cũng như chưa có nguồn tiền đủ lớn. Nay tôi giao lại cho anh em công ty và tách ra làm edoctor. Đi vào hoạt động được 8 tháng, tôi quyết định phải cải tổ, từ 48 người tôi giảm xuống còn 8 người, sau 2 tháng, doanh thu nhóm 8 người còn nhiều hơn 48 người. Tôi tin đây là cuộc chiến đấu rất dài nhưng sẽ đem lại giá trị cho nhiều người, đồng thời sẽ được tưởng thưởng vì có thể kiếm được rất nhiều tiền”, Đặng Công Nguyên tâm sự.

Đinh Viết Hùng, CEO JoomlArt

Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam ảnh 3

Đinh Viết Hùng
 

Đang làm việc cho một công ty dầu khí lớn với mức lương gần 5.000 USD/tháng, nhiều người nhận xét Đinh Viết Hùng “gàn” khi anh bỏ việc và thành lập Công ty Giải pháp J.O.O.M.

Thành lập từ năm 2006, đến nay, J.O.O.M đã là một trong những công ty hàng đầu về thiết kế và phát triển các ứng dụng web cũng như thương mại điện tử nổi tiếng trong cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Thị trường chính của công ty là châu Âu, Mỹ , châu Á và Việt Nam. JoomlArt.com, kênh phân phối trực tiếp của Công ty là một trong những trang web được cộng đồng mã nguồn mở ưa chuộng, hàng tháng nhận được 1,5 triệu lượt khách tham quan và được xếp hạng 9/10 theo công cụ tìm kiếm Google.

Anh Hùng chia sẻ: Ngay từ khi thành lập Công ty, tôi đã nghĩ đến việc phải kiếm được khách nước ngoài và hướng đến thị trường bên ngoài chứ không chỉ ở Việt Nam.

Thời gian đầu cũng rất gian nan, những năm 2005 - 2006, khi khách hàng nước ngoài thanh toán tiền công chỉ 314 USD mà ngân hàng gọi chúng tôi lên hỏi rất nhiều câu rồi mới nhận được tiền. Ngay cả C15 (Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) cũng gọi chúng tôi lên hỏi vì sao lại có tiền nước ngoài chuyển về và việc chứng minh rất cực.

Đến cả việc mình làm ra sản phẩm, nhưng để bán được sản phẩm, tôi phải nhờ một người bạn Mỹ đứng ra làm đại diện, mở tài khoản, nói chuyện với khách hàng nước ngoài, nhận tiền và chuyển cho mình… Giờ đây mọi việc đã đơn giản hơn rất nhiều. Với một DN, tôi cho rằng, để đi xa phải luôn có chiến lược rõ ràng.

Làm về internet và thương mại điện tử, phải đặc biệt coi trọng yếu tố “giao tiếp” qua mạng và mọi người trong doanh nghiệp đều chính là nhân viên bán hàng. Tham gia cộng đồng trao đổi, gửi email trả lời một thắc mắc của khách hàng được chia sẻ trên diễn đàn, đó chính là cách bạn bán sản phẩm. Dựa vào những thông tin đó hoặc được quảng cáo “truyền miệng” qua internet, nhiều khách hàng khác sẽ đến với bạn.

Khác với quan điểm của anh Thanh, nếu thời gian quay ngược lại, tôi sẽ xem xét việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Khi có nhà đầu tư vào, họ sẽ gây ra sức ép với mình, giúp mình làm việc tích cực hơn. Họ lấy đi của mình nhiều thì mình sẽ có động lực kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Trần Hải Linh, CEO Sendo.vn

Tâm sự “rút ruột” của các tỷ phú công nghệ trẻ Việt Nam ảnh 4

Trần Hải Linh
 

Sendo.vn là một dự án thương mại điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển, được khởi động từ cuối năm 2011. Đến tháng 5/2014, Sendo chính thức tách ra thành công ty riêng. Sendo cung cấp cho khách hàng dịch vụ mở một cửa hàng kinh doanh online miễn phí, phù hợp với đối tượng muốn kinh doanh nhưng ít vốn.

Trần Hải Linh cho biết: Trước khi xây dựng Sendo.vn, chúng tôi đã nghiên cứu đủ các mô hình của cả phương Tây và phương Đông. Trung Quốc có Alibaba, Mỹ có Amazon… và quyết định, đã làm thì phải làm sàn thương mại điện tử. Đây quả thực là lĩnh vực tốn kém. 2 năm đầu, suốt ngày chúng tôi bị FPT dọa “cắt” chi phí. Các anh/ em trong nhóm phải đi thuyết trình để bảo vệ, chứ không có chuyện làm thương mại điện tử trong FPT được phép tiêu tiền thoải mái. Năm ngoái, chúng tôi được tách riêng thành công ty và cuối năm có nhà đầu tư Nhật bỏ vốn vào.

Việc khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận nhiều thử thách. Đơn cử như cá nhân tôi đang có công việc ổn định ở một tập đoàn lớn, về Sendo, lương giảm đi 70%, chưa kể đến chuyện đối phó với tình huống “mất người” như cơm bữa, khi các đối thủ như Ladaza hay Vingroup cũng gia nhập thị trường này. Khởi nghiệp là phải chấp nhận rủi ro, dám đi đến cùng, không có gan chấp nhận thì sẽ không có gan làm.

“Tiềm năng của lĩnh vực này thì lớn lắm. Năm 2011, chúng tôi rất choáng ngợp khi sang Trung Quốc tham dự một sự kiện bán hàng của họ và được biết họ bán được 500 triệu USD/ngày, hiện nay, họ bán được 10 tỷ USD/ngày. Tại Trung Quốc, tỷ lệ mua sắm online chiếm 6 - 7% trên tổng doanh số mua sắm, trong khi hiện tại ở Việt Nam mới ở mức dưới 1%”, Trần Hải Linh nói.

Việt Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục