Cổ tức, nhà đầu tư “1 cổ 3 tròng”

(ĐTCK) Để 1 đồng tiền lợi nhuận đến tay một NĐT cá nhân trên TTCK, số tiền này phải vượt qua tới 3 vòng thuế là: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế cổ tức, thuế giao dịch chứng khoán...
NĐT cá nhân thiệt thòi hơn NĐT tổ chức trong thực hiện nghĩa vụ thuế NĐT cá nhân thiệt thòi hơn NĐT tổ chức trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Cổ tức: “1 cổ 3 tròng”

“Tôi không biết chủ trương khuyến khích đầu tư, khuyến khích đầu tư dài hạn là gì, nhưng việc đánh thuế cổ tức tỷ lệ 5% hiện nay là rất vô lý, vì NĐT chịu quá nhiều vòng thuế để được nhận mấy đồng cổ tức. Như thế này thì NĐT cá nhân nào dám đầu tư dài hạn vào TTCK? Ai muốn ngồi chờ hưởng cổ tức?”, ông Trần Lê Minh, NĐT cá nhân tại TP. HCM gọi điện về tòa soạn Báo Đầu tư Chứng khoán giọng đầy bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, NĐT này nhận định, quy định hiện hành rất bất cập cho NĐT cá nhân, thay vì NĐT tổ chức. “Cùng hưởng cổ tức, nhưng đầu tư dưới danh nghĩa một công ty - dù là công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân tự thành lập, thì không bị chịu thuế khi nhận cổ tức được chia, do phần cổ tức nhận được được tính từ thu nhập đã chịu thuế TNDN. Trong khi đó, NĐT cá nhân phải mất thêm 5% thuế cổ tức, đến khi bán lại thêm 0,1% thuế giao dịch bán chứng khoán. Đây là điều bất cập lớn mà các NĐT cá nhân phải chịu”, ông Minh nói.

Cùng quan điểm này, giám đốc đầu tư một DN thuộc Top 10 DN niêm yết lớn nhất trên Sở GDCK TP. HCM (HSX) cho rằng, đây là quy định quá vô lý, mà NĐT dù chọn hình thức nào cũng bị thiệt!

“Tại ngày giao dịch không hưởng quyền, toàn bộ phần cổ tức nhận về đã được khấu trừ vào giá. Nhưng NĐT lại mất thêm 5% thuế cổ tức nữa, tức là bị thiệt tối thiểu 5% phần giá trị cổ tức được hưởng so với phương án không nhận cổ tức. Tuy nhiên, nếu né ngày nhận cổ tức, thì những NĐT cá nhân thích đầu tư dài hạn cũng chịu thiệt, vì lại mất 0,1% tổng giá trị bán chứng khoán, chưa kể phí giao dịch. Lựa chọn kiểu gì thì NĐT cá nhân cũng thiệt, nên đây là quy định vô lý, cần phải khắc phục sớm vì không thể duy trì tình trạng thuế chồng thuế như vậy”, vị này nhận xét.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Kim Huệ, NĐT cá nhân tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: “Đặt một tình huống đơn giản là, tôi và chồng tôi góp vốn thành lập công ty TNHH. Sau khi phải chịu thuế TNDN, chúng tôi có lãi một ít, muốn chia cổ tức toàn bộ, thì cuối cùng lại chịu thêm 5% thuế cổ tức nữa. Như vậy tính ra, mức thuế mà chúng tôi thực phải trả đâu phải là 22% lợi nhuận trước thuế, mà lại lên tới 25,6%. Đây là điều rất vô lý, bởi dù tên gọi khác nhau, nhưng cả 2 loại thuế đều đánh vào túi tiền của NĐT”.

“Cần sớm bỏ thuế cổ tức”

Mùa họp ĐHCĐ 2014 thường niên đang đến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hoạt động tạm ứng/chia cổ tức đang vào mùa. Và hơn lúc nào hết, thuế cổ tức lại là vấn đề được quan tâm. NĐT trên TTCK đã từng đặt câu hỏi: chia cổ tức mà lại bị trừ vào giá, thì việc này còn có ý nghĩa gì? Vấn đề này, dù cơ quan quản lý đã trả lời khá “chuẩn” liên quan đến vấn đề vốn hóa của DN, nhưng cái chuẩn ấy lại chưa có yếu tố thuế. Thêm thuế cổ tức, áp dụng cách trừ giá dường như bắt đầu tạo ra sự khập khiễng giữa NĐT cá nhân và NĐT tổ chức, trong đó NĐT bị thiệt phần chênh lệch chịu thuế.

Còn nhớ, năm 2011, khi Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân, công chúng đầu tư đã rất hoan nghênh việc miễn thuế thu nhập cá nhân (có thời hạn) đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN. Giai đoạn đó, điều duy nhất mà công chúng không hiểu là, vì sao lại có chuyện… ngoại trừ đối với cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng (!?).

Không công khai đăng đàn, nhưng bên lề một cuộc ĐHCĐ thường niên năm đó, chủ tịch HĐQT một NHTM niêm yết đã nói: “Tôi rất ủng hộ việc miễn thuế cổ tức cho NĐT cá nhân, nhưng không hiểu vì lý do gì, nhóm ngân hàng, tài chính bị nằm ngoài chính sách ưu đãi. Việc miễn thuế cổ tức đáng lẽ là việc nên làm, làm chung cho tất cả các DN, áp dụng cho các thời kỳ, chứ không phải trong 1 hay 2 năm, vì đây là điều đúng đắn, tránh tình trạng thuế chồng thuế”.

Trở lại với NĐT Trần Lê Minh, vị này cho rằng: Là một cá nhân, ông tự hào được đóng thuế, nhưng đóng thuế như thế nào để hài hòa lợi ích mới là quan trọng. “Trong giai đoạn thị trường bùng nổ, NĐT có thể không chú ý nhiều tới thuế cổ tức, nhưng khi thị trường suy thoái, đầu tư dài hạn nhận cổ tức là điều Nhà nước nên khuyến khích. Tiếc rằng, với chính sách thuế vô lý như hiện nay, sẽ rất khó để khuyến khích NĐT đầu tư dài hạn vào DN”, ông Minh nhận xét.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục