Cổ đông của một ngân hàng đặt câu hỏi chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tuần qua ở TP.HCM rằng, thời điểm này năm ngoái, HĐQT ngân hàng quyết định chia cổ tức 7% cho cổ đông nhỏ và 4% cho cổ đông lớn, nhưng năm nay chỉ là 5%, lại chia bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt như mọi năm. “Mức cổ tức này quá thấp so với các ngân hàng khác cũng như lãi suất của ngân hàng hiện nay”, vị cổ đông bày tỏ quan điểm.
Trả lời bức xúc về cổ tức của cổ đông, HĐQT của ngân hàng này cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt được hằng năm, ngoài việc chia cổ tức, còn phải trích dự phòng rủi ro. Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, nợ xấu gia tăng đòi hỏi dự phòng lớn như hiện nay, ngân hàng có khi phải dành một nửa lợi nhuận để trích dự phòng.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lợi nhuận liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng và chi phí hoạt động tăng mạnh đã “bào mòn” lợi nhuận thu về. Cuối kỳ 2015, OCB ghi nhận 267 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 5% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 209 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2015 đạt 425 tỷ đồng. Với kết quả này, Ngân hàng mới chỉ hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 410 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt 4,5%.
TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho biết, sở dĩ lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng và chia cổ tức năm 2015 ở mức thấp là do các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng lớn cho những khoản nợ xấu trước đây.
Chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016. Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong năm nay, song áp lực này thấp hơn ở nhóm các ngân hàng niêm yết. Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong những năm gần đây chiếm khoảng 25% nợ xấu của toàn hệ thống, nhóm ngân hàng chưa niêm yết chiếm 75%.
Ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, với quy mô 80.000 tỷ đồng dư nợ, thì chỉ cần với biên lãi ròng 2%, mỗi năm Eximbank sẽ thu được khoảng 1.600 tỷ đồng lợi nhuận từ tín dụng. Cộng thêm các khoản thu nhập từ các dịch vụ ngoài tín dụng, tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ ở mức 1.800 - 2.000 tỷ đồng. HĐQT và Ban Điều hành Eximbank đã dự thảo một số phương án phân phối lợi nhuận, trong đó ưu tiên xử lý những vấn đề tồn đọng và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông dự kiến được tổ chức ngày 29/4 tới đây.
Bên cạnh những ngân hàng khiến cổ đông tức tưởi khi nhắc đến cổ tức, vẫn có nhiều ngân hàng đem lại niềm hân hoan cho cố đông với tỷ lệ chia cổ tức hai con số. Chẳng hạn, năm 2015, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng tăng 92% so với năm 2014. Sau khi trừ các khoản giảm lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 1.652 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% trên tổng mệnh giá cổ phần phổ thông.
Trong khi đó, cổ tức năm 2015 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chia cho cổ đông là 10% bằng cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trả cổ tức 2015 ở mức 10%. Năm 2016, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận 7.500 tỷ, cổ tức tối đa 10%.
Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các ngân hàng hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, thay vào đó là trả bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn. Thời gian qua, tổng tài sản của các nhà băng Việt Nam tăng quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá thấp, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) giảm mạnh. Vì vậy, cùng với việc tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng…, thì trả cổ tức bằng cổ phiếu là một trong những giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng tăng vốn trong thời gian tới.