Cổ tức có thể được trả trong thời gian sớm nhất là bao giờ?

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2016 ngay tại ĐHĐCĐ thường niên đầu năm. Xin hỏi, cổ tức có thể được trả trong thời gian sớm nhất là bao giờ? Doanh nghiệp phải lưu ý các quy định gì liên quan tới vấn đề này? Trường hợp doanh nghiệp có lãi nhưng tính đến thời điểm này vẫn nợ quỹ bảo hiểm xã hội thì có được chia cổ tức không?
Cổ tức có thể được trả trong thời gian sớm nhất là bao giờ?

Ông Phạm Văn Thượng, Chuyên viên Tư vấn Quản trị doanh nghiệp, CTCK FPT:

1. Luật không quy định cụ thể về thời hạn tạm ứng cổ tức cho năm tài chính hiện tại (2016). Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty thì HĐQT có thể quyết định thời gian và tỷ lệ tạm ứng cổ tức cho năm 2016 dựa trên:

a)  Mức cổ dự tức dự kiến 2016 đã được ĐHĐCĐ thông qua;

b) Tình hình sản xuất - kinh doanh hiện tại và kết quả kinh doanh dự kiến trong năm 2016.

Trường hợp này, ngoài việc tuân thủ các quy định về trả cổ tức tại Điều 132, Luật Doanh nghiệp, quy định công bố thông tin tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, quy định về khấu trừ Thuế thu nhập cá nhân quy tại Thông tư 111/2013/TT-BTC... thì HĐQT cần đặc biệt lưu ý phải cân đối được nguồn tiền chi trả và các nghĩa vụ tài chính khác sau khi tạm ứng cổ tức.

2. Căn cứ Khoản 2, Điều 132, Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần chỉ được chi trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Như vậy, trường hợp trên Công ty phải thực hiện thanh toán hết khoản nợ quỹ Bảo hiểm xã hội mới được chi trả cổ tức cho cổ phần phổ thông.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục