Cisco đã tiến hành khảo sát về tình trạng "phòng thủ số" với hơn 3.700 lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý CNTT tại 14 thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Cuộc khảo sát cho thấy những kẻ tấn công đã cố gắng xâm nhập vào hệ thống của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) theo nhiều cách. Trong đó, 2 hình thức tấn công phổ biến nhất là phát tán phần mềm độc hại và lừa đảo.
Có 59% SME tại Việt Nam gặp sự cố mạng trong vòng một năm qua. 86% trong số đó bị mất thông tin của khách hàng vào tay của kẻ xấu. Các sự cố khác có thể kể đến là mất dữ liệu nhân viên (67%), thông tin tài chính (58%), sở hữu trí tuệ (56%) và thông tin kinh doanh nhạy cảm (51%). Ngoài ra, 61% doanh nghiệp SME thừa nhận sự cố mạng tác động tiêu cực đến danh tiếng của họ.
Có tới 59% SME tại Việt Nam gặp sự cố mạng trong vòng một năm qua. |
39% doanh nghiệp SME từng bị tấn công mạng thừa nhận bị thiệt hại từ 500 nghìn USD trở lên, trong đó 4% tổn thất khoảng một triệu USD hoặc hơn. Điều này khiến họ lo ngại hơn về rủi ro an ninh mạng. 71% nói cảm thấy bất an hơn về tình hình an ninh mạng so với năm ngoái.
Gián đoạn do sự cố mạng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. 9% cho biết thời gian ngừng hoạt động dưới một giờ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Thậm chí, 16% nói thời gian ngừng hoạt động hơn một ngày có nguy cơ dẫn đến việc đóng cửa doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, theo Cisco,có 87% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã tăng đầu tư vào an ninh mạng từ khi đại dịch bắt đầu.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, cho biết. "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong 18 tháng qua. Nhiều bên tận dụng công nghệ để tiếp tục hoạt động và hỗ trợ khách hàng ngay cả trong giải đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhu cầu đầu tư giải pháp giúp đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trên mặt trận an ninh mạng cũng tăng lên, vì khi ngày càng 'số hóa', doanh nghiệp càng trở thành mục tiêu hấp dẫn với những kẻ xấu".