Có thể mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Quốc hội thảo luận tại hội trường về giảm thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng có thể mở rộng đối tượng giảm thuế.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn  Thân (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tại hội trường.

Sáng 16/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Đồng ý giảm thuế cho doanh nghiệp, song các vị đại biểu còn băn khoăn về tiêu chí xác định.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, giảm thuế như đề xuất trên là cào bằng, không cân bằng với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, theo đại biểu cần thiết phải đánh giá thẩm định đầy đủ từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ về doanh thu, thiệt hại cụ thể thực tế do Covid-19 gây ra, trên cơ sở đó xác định đối tượng chặt chẽ với thủ tục hành chính rút gọn, nhanh chóng, minh bạch.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn  Thân (Thái Bình) băn khoăn, nếu căn cứ doanh thu dưới 50 tỷ thì chỉ một nửa số doanh nghiệp nhỏ được hưởng chính sách giảm thuế, còn căn cứ tiêu chí lao động thì trên 100 người đáng lý càng nên được hỗ trợ.

"Nếu theo hai tiêu chí như trên thì chỉ một nửa số doanh nghiệp nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng, tôi không đồng ý", đại biểu Thân nêu quan điểm.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại, ở đây tiêu chí mâu thuẫn lẫn nhau và tính động viên là không có, ông Thân nói tiếp.

Tán thành ý kiến đại biểu Thân, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: 2 gia đình cùng thu nhập như nhau, nhà đông con hơn thì khó khăn hơn so với nhà ít con. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hơn thì khó khăn hơn, nên đưa tiêu chí lao động thì không hợp lý lắm. Đề nghị cân nhắc lại tiêu chí này, và giải trình trước Quốc hội chứ chúng tôi thực sự băn khoăn, ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (An Giang) cũng cho rằng không nên gắn với tiêu chí lao động. Vì Covid-19 không phải làm tất cả doanh nghiệp thua lỗ, mà vẫn có 1 bộ phận phát triển được, chỉ nên giảm thuế với doanh nghiệp sụt giảm doanh thu so với năm 2019.

Chỉ nên xác định đối tượng dựa trên doanh thu hoặc lao động, ko nên “ôm đồm” cả 2 tiêu chí như dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc góp ý.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp tức là hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất. Nên đây là giải pháp hỗ trợ an sinh chứ không đơn thuần giải pháp hỗ trợ kinh tế. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất dễ tổn thương, nhưng khôi phục mở rộng quy mô rất nhanh, nên “kích” vào khu vực này cũng hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu theo hướng mở rộng đối tượng, tiêu chí là hướng tới cả doanh nghiệp vừa.

"Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để tiếp thu, nhưng chọn tiêu chí làm sao để thực hiện thuận lợi, tránh rủi ro", Bộ trưởng nói.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục