Giảm thuế, chỉ... “béo” doanh nghiệp giàu

(ĐTCK) Ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là một quyết sách kịp thời. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ này không tới được những đối tượng thực sự khó khăn.  
Giảm thuế, chỉ... “béo” doanh nghiệp giàu

Giảm 15.840 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp

Đến nay, một số cơ chế về thuế đã được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đây đều là các giải pháp hoãn, lùi thời hạn nộp thuế, có nghĩa là không làm thay đổi nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp, mà chưa có liệu pháp giảm thuế - hỗ trợ “tiền tươi” như mong đợi của doanh nghiệp, chuyên gia.

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng kỳ vọng của doanh nghiệp bước đầu được đáp ứng, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tương đương với số thuế doanh nghiệp được giảm là khoảng hơn 15.840 tỷ đồng.

Số tiền này không lớn so với nguồn thu của ngân sách nhà nước hàng năm, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, việc áp dụng quyết sách này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trên cơ sở nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất giảm thuế của Chính phủ, kết luận phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với một số doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tên gọi và phạm vi của Nghị quyết cần sửa lại, lấy tiêu chí về doanh thu và lao động làm căn cứ để giảm.

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hoàn thành báo cáo thẩm tra để đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2020 và trình ra Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Như vậy, giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp ít ngày nữa sẽ được trình ra Quốc hội xem xét thông qua.

Có nghĩa là, sau khi qua hai vòng được ủng hộ là Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết sách này chỉ còn phải trải qua cửa soát xét cuối cùng là Quốc hội trước khi được triển khai.

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, doanh nghiệp trông đợi các đại biểu Quốc hội mang tinh thần “thời chiến” khi “bấm nút” thông qua quyết sách trên, để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Nói về ý nghĩa và sức lan tỏa của việc giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, tính đến cuối năm 2019, trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%; trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.

Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như ổn định xã hội.

Việc xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là cần thiết.

Doanh nghiệp trông đợi nhiều hơn thế

Ghi nhận giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là nỗ lực của nhà quản lý trong tiếp sức cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng như thế là chưa đủ.

Dưới góc nhìn của lãnh đạo một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cơ chế này chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn có lãi để nộp thuế. Do đó, cơ quan quản lý cần có thêm những giải pháp tiếp sức cho nhóm doanh nghiệp thực sự khó khăn, giúp họ phục hồi sản xuất - kinh doanh…

Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhìn nhận, cơ chế giảm thuế cho doanh nghiệp sau khi được Quốc hội thông qua cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, đảm bảo công khai để các doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm thuế là phải được thụ hưởng.

Quy trình, thủ tục để doanh nghiệp được giảm thuế cũng cần đơn giản, thông thoáng để doanh nghiệp dễ thực hiện.

Bên cạnh chính sách tài khóa, để giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tiền tệ thông qua kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời giảm lãi suất cho vay với những doanh nghiệp còn tiềm năng phát triển.

Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khơi thông thị trường mới giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt.

Sức sản xuất của doanh nghiệp phục hồi, nhưng một khi cơ hội giao thương bị nghẽn, thị trường mới chưa được khai phá, sức cầu từ thị trường nội địa chậm được kích cầu, thì cũng không khác gì vỗ tay bằng… một bàn tay. Bởi vậy, đây là những “đề bài” doanh nghiệp đang mong đợi Chính phủ rốt ráo hơn trong chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đưa ra lời giải thực chất, tối ưu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giảm thuế là tích cực, nhưng chưa chạm tới các doanh nghiệp thực sự khó khăn

Ông Phạm Duy Hưng, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam

Việc giảm thuế cho doanh nghiệp là có tác dụng tốt, bởi tiếp thêm sức cho doanh nghiệp củng cố nền tảng tài chính, có thêm nguồn lực để phát triển.

Đây là sự chia sẻ thiết thực của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chịu những tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khi áp dụng cơ chế giảm thuế, thì chỉ những doanh nghiệp làm ăn có lãi mới được thụ hưởng chính sách này.

Ở một khía cạnh nào đó có nghĩa là hỗ trợ cho “doannh nghiệp giàu”, vì về bản chất chỉ làm giảm nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp vẫn còn sản xuất, kinh doanh tốt, kinh doanh có lãi, trong khi rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không còn khả năng đóng thuế để được giảm thuế lại không được hỗ trợ của chính sách thuế.

Đây mới thực sự là đối tượng khẩn cấp cần sự “cấp cứu” để hồi sinh, vì hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng phục hồi hậu đại dịch...

Ngoài ra, điều doanh nghiệp trông đợi là trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển của ngành, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, cũng như quy mô và uy tín của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần có cơ chế cho triển khai các gói tín dụng cho doanh nghiệp vay ưu đãi về lãi suất, thời gian cho vay kéo dài, để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào cho phát triển kinh doanh, vừa giảm chi phí vốn, qua đó có điều kiện để sớm phục hồi sau đại dịch.

Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đề xuất của Chính phủ

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Việc Chính phủ trình chính sách này ra Quốc hội đã đảm bảo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3591/TTKQH-PL của Tổng thư ký Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thấy hồ sơ dự án Nghị quyết đã bao gồm tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Do đó, nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp để đảm bảo kịp thời xử lý các trường hợp khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục