Đối với các khoản chi cần thiết, sau khi sử dụng tất cả các nguồn mà còn khó khăn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã gợi mở khả năng nói trên khi Quốc hội kết thúc hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, chiều 15/6.
Phó chủ tịch cho biết, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và 16 đại biểu tham gia tranh luận. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng 5 bộ đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thêm thông tin cho một số vấn đề có liên quan, còn 10 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu.
Tóm lược cả hai ngày thảo luận, ông Hiển khái quát 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khởi động, phục hồi lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với bất ổn từ bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội về sinh kế, về việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo và người yếu thế. Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tận dụng thời cơ có các giải pháp phù hợp với tình hình và xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Nhiều đại biểu cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ là chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu này.
Theo ý kiến đại biểu, Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước, giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng. Trước hết phải tăng cường tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.
Đối với các khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các nguồn mà còn khó khăn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ông Hiển nói.
Nhiều đại biểu cũng đồng ý cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.
Chính phủ đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 01/7/2020 nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp nhà nước.
Có ý kiến đề nghị là nên điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công, ông Hiển cho biết.
Trước đó, hồi âm quan tâm của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết kết quả thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 đạt 38,2% dự toán và giảm 9,2% so với cùng kỳ là mức rất thấp trong những năm từ 2014 đến nay.
Dự báo thu ngân sách nhà nước năm 2020 khả năng sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định, Bộ trưởng thông tin và giải thích, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách, cả Trung ương và địa phương phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi.
"Chúng tôi dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP năm nay là 4,5% thì bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng với tăng khoảng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm và nợ công lúc này sẽ là 55,5%. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6% thì bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 5,02% GDP và tương ứng với tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm và nợ công lúc này khoảng 56,4% GDP. Tuy nhiên, với cả hai kịch bản tăng trưởng này, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP và nợ công là nhỏ hơn 65% GDP, đáp ứng được Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25 của Quốc hội", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.