Thay vì ủy quyền một Phó thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội như thông lệ tại các kỳ họp Quốc hội giữa năm, lần này, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp báo cáo Quốc hội.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%
Khẳng định tác động của đại dịch Covid-19 đến Việt Nam là rất nghiêm trọng, Chính phủ nhận định, so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,8% đã đặt ra cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
“Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương, với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công”, Thủ tướng trình bày.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về những chỉ tiêu điều chỉnh.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội cũng đã dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,8%); tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (Quốc hội quyết định là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (chỉ tiêu được Quốc hội quyết khoảng 7%); tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao.
Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra), tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mức đã được quyết định).
Năm cơ chế, chính sách đặc thù
Tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Một là, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020; đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Hai là, chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công - tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công - tư rất khó khăn).
Ba là, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19, trong đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bốn là, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Năm là, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021, ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công
Thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cả trong ngắn hạn và hướng tới dài hạn.
Cụ thể, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản theo phương án xấu nhất với khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu, mùa đông; dịch bệnh trên thế giới còn kéo dài, chưa thể khống chế trong năm 2020; chưa có vắc xin phòng bệnh.
Theo cơ quan thẩm tra, cần đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020; chú trọng các chỉ tiêu như Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước cũng là giải pháp được cơ quan thẩm tra lưu ý.
Ủy ban Kinh tế cũng đề cập sự cần thiết xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ rủi ro cho các doanh nghiệp, làm cơ sở tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả sử dụng; nắm chắc thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, có kịch bản điều hành với diễn biến khó lường của giá dầu, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Song song với đó, cần tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.
Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn như Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch để triển khai cho giai đoạn sau năm 2020.
Miễn, giảm thuế cần tính đến hiệu quả tổng thể
Trước khi Quốc hội bắt đầu Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ dự kiến một số giải pháp đáng chú ý như: trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết quý IV/2020; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 được hạch toán vào chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội sáng 20/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang nói: “Trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu là phòng, chống dịch và giải quyết hậu quả của Covid-19, thì những giải pháp mang lại hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, cá nhân tôi sẽ ủng hộ”.
Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, những giải pháp đó phải mang lại hiệu quả tổng thể, nghĩa là có thể giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng phải nằm trong cân đối tổng thể của ngân sách quốc gia. Vì thế, Chính phủ cần đánh giá thật kỹ khi thực hiện những chính sách miễn, giảm như trên để không ảnh hưởng đến nguồn lực của quốc gia thực hiện các nhiệm vụ khác.
Người lao động sẽ chia sẻ với Chính phủ
Bình luận về dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng được Thủ tướng báo cáo Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng, việc điều chỉnh là cần thiết, nhưng không quan trọng bằng đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng để điều chỉnh các chỉ tiêu khác, vì kết quả
tăng trưởng liên quan chặt chẽ đến chỉ tiêu bội chi và nợ công.
Với đề xuất cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, theo ông Quang, nếu Chính phủ đã cân nhắc cái được lớn hơn cái không được trong việc này, thì bản thân ông cũng đồng tình.
“Tôi tin người lao động cũng sẽ chia sẻ với Chính phủ, để dành nguồn lực cho những việc cấp thiết hơn”, ông Quang nói.