Có rất ít công ty quan tâm tới Quy định chung về bảo vệ dữ liệu

(ĐTCK) Dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) có hiệu lực, nhưng chỉ có 33% doanh nghiệp cho biết, đã có kế hoạch để tuân thủ với quy định của EU và chủ yếu là doanh nghiệp châu Âu.
Có rất ít công ty quan tâm tới Quy định chung về bảo vệ dữ liệu

Khảo sát Phân tích dữ liệu Kế toán pháp lý toàn cầu của EY lần thứ ba theo chu kỳ hai năm một lần (khảo sát câu trả lời của 745 nhà điều hành đến từ 19 quốc gia) mới công bố cho thấy, sự gia tăng áp lực từ các quy định pháp luật là điều đầu tiên mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ đến, với 78% người trả lời thể hiện mối quan tâm ngày càng gia tăng về việc tuân thủ bảo vệ dữ liệu và bảo mật dữ liệu.

Tuy nhiên, dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) có hiệu lực (ngày 25/5/2018), chỉ có 33% người trả lời rằng, họ đã có kế hoạch để tuân thủ với quy định của EU.

Trong khi phản hồi trung bình của những người trả lời ở châu Âu là tích cực hơn, với 60% nêu rằng họ đã có kế hoạch tuân thủ, thì vẫn còn lại khá nhiều việc cần thực hiện ở các thị trường khác khi chỉ có ít ỏi số lượng các công ty cho thấy sự sẵn sàng cho việc tuân thủ GDPR, bao gồm châu Phi và Trung Đông (27%), châu Mỹ (13%) và châu Á-Thái Bình Dương (12%)…

Về tổng quan, báo cáo nhấn mạnh, việc tăng cường ứng dụng và chi tiêu cho những công nghệ phân tích dữ liệu kế toán pháp lý tiên tiến, cần phải được đi đôi với việc đầu tư lớn hơn vào nguồn lực có đủ kỹ năng.

Trong số những người được khảo sát, chỉ 13% cảm thấy rằng tổ chức của họ có những kỹ năng công nghệ phù hợp với việc phân tích dữ liệu kế toán pháp lý và chỉ 12% tin rằng họ có kỹ năng phân tích dữ liệu/ khoa học dữ liệu phù hợp.

Theo  ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Trưởng Bộ phận Tư vấn kế toán pháp lý, đảm bảo và rủi ro CNTT và Dữ liệu thông minh, đồng thời là gương mặt đại diện toàn cầu của Hiệp hội Quản trị rủi ro (Institute of Risk Management), chúng ta đang trải qua sự đột phá số thức, được xem là hiện tượng xuất hiện ở hầu hết mọi khía cạnh của tất cả các ngành nghề lĩnh vực từ dịch vụ tài chính, dược phẩm, bán lẻ, bất động sản, viễn thông đến công nghiệp hạ tầng.

Các công ty trong ngành công nghiệp kỹ thuật số đang đầu tư triệt để vào các công nghệ như quy trình tự động hóa robotics, trí tuệ nhân tạo, cụ thể bao gồm phân tích nâng cao về thiết lập nền tảng kỹ thuật số, phát triển các công cụ cũng như hợp tác với các chuyên gia có chuyên môn tay nghề cao.

Hiện tại là thời điểm tốt nhất để bắt đầu xem xét việc tận dụng tiềm năng từ kỹ thuật phân tích dữ liệu kế toán pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị các rủi ro phát sinh từ hiện tượng đột phá số thức này.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục