Cơ quan Thụy Sĩ đã cân nhắc về việc cho phép Credit Suisse phá sản trước khi UBS tiếp quản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý ngân hàng của Thụy Sĩ cho biết họ đã từng cân nhắc việc đưa Credit Suisse vào tình trạng phá sản trước khi quyết định để UBS tiếp quản, vì rủi ro lây lan là quá lớn.
Chủ tịch FINMA, Marlene Amstad Chủ tịch FINMA, Marlene Amstad

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã đưa ra nhiều phương án giải cứu khác nhau trước ngày UBS tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse trong thương vụ do chính phủ hậu thuẫn. Chủ tịch FINMA Marlene Amstad cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (5/4) rằng ngân hàng này đã phải đối mặt với một loạt các vụ rút tiền ồ ạt chưa từng có.

Nhận xét của bà Amstad là tuyên bố công khai đầu tiên về thỏa thuận kể từ khi bà và Giám đốc điều hành FINMA Urban Angehrn nói trên báo chí Thụy Sĩ rằng thỏa thuận này là lựa chọn khả thi duy nhất, đồng thời bảo vệ vai trò của cơ quan quản lý trong giao dịch được kết nối vội vàng.

Bà Amstad cũng bác bỏ ý kiến về việc cơ quan đã không can thiệp sớm hoặc đủ mạnh để giải quyết các vấn đề của Credit Suisse, và chỉ ra sáu thủ tục thực thi công khai kiểm soát lĩnh vực ngân hàng trong những năm gần đây.

FINMA cho biết họ yêu cầu bộ đệm thanh khoản cao hơn từ Credit Suisse ngay từ năm 2020.

Credit Suisse đã tổ chức cuộc họp thường niên vào thứ Ba (4/4), đây là cuộc họp cuối cùng của ngân hàng với tư cách là một công ty đại chúng.

Những nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) do Credit Suisse phát hành đã vô cùng tức giận khi FINMA ghi giảm số trái phiếu trị giá 17 tỷ USD đó về 0. Rủi ro của việc này đã được nêu rõ trong hợp đồng phát hành trái phiếu và cho phép các cổ đông của Credit Suisse thu lại một số giá trị trong khi xóa sổ trái phiếu.

Tuy nhiên, động thái này đã đi ngược với truyền thống tài chính vì những người nắm giữ cổ phần thường là những người đầu tiên phải gánh chịu các khoản lỗ của một ngân hàng đang gặp khó khăn. Một số công ty luật nổi tiếng đã và đang thúc đẩy kế hoạch đưa ra tòa án. Ông Angehrn đã nhắc lại rằng FINMA có quyền hợp pháp để xoá sổ trái phiếu AT1 và sẽ giải quyết mọi vụ kiện khi chúng được đệ trình.

Khi được hỏi về dòng tiền rút ra ồ ạt của khách hàng khỏi Credit Suisse vào cuối năm ngoái, ông Angehrn nói rằng dòng tiền rút ra “rất lớn vào tháng 10, vẫn còn kịch tính nhưng nhỏ hơn vào tháng 11 và thậm chí còn nhỏ hơn vào tháng 12”.

Ông cho biết, chúng đã đi ngang và thậm chí còn cải thiện vào tháng 1 và tháng 2, điều này cho phép Credit Suisse xây dựng lại bộ đệm thanh khoản. Dòng tiền ra nói chung trong ba tháng cuối năm là khoảng 138 tỷ franc Thụy Sĩ (153 tỷ USD).

Ông Angehrn đã đưa ra các lựa chọn mà họ đã cân nhắc đối với Credit Suisse: phá sản ngân hàng, quốc hữu hóa tạm thời hoặc sáp nhập với UBS. Ông cho biết ban đầu ngân hàng đã được xem là phá sản, nhưng vì “tác động mạnh mẽ” mà nó gây ra sẽ rất lớn nên đây không phải là lựa chọn khả thi.

“Việc quốc hữu hóa cũng đã bị từ chối vì rủi ro và cơ sở pháp lý cũng như không ưu tiên cho giải pháp của khu vực tư nhân. Việc tiếp quản được xem là lựa chọn tốt nhất bởi vì nó sẽ mang lại sự tự tin đáng kể cho thị trường”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục