Cơ quan nào sẽ quản lý sàn vàng?

(ĐTCK-online) Trong khi không ít sàn giao dịch vàng (SGDV) cấp tập chuẩn bị cho việc ra đời thì các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với việc xây dựng mô hình SGDV như thế nào. Một câu hỏi đặt ra, cơ quan nào sẽ quản lý sàn vàng?
Hiện có khoảng 10 SGDV đã và sắp hoạt động với mỗi sàn một cơ chế riêng.

Thực trạng

Trên SGDV Sài Gòn, giá vàng đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7 dừng ở mức 18,997 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm đó, trên SGDV SJC Hà Nội, giá vàng đóng cửa tại mức 18,949 triệu đồng/lượng, thấp hơn trên SGDV Sài Gòn 48.000 đồng/lượng. Mức giá đóng cửa trên SGDV Phố Wall lại là 18,986 triệu đồng/lượng. Theo nhận xét của một chuyên gia, giá vàng tại mỗi SGDV phản ánh tâm lý và cung - cầu của NĐT nên có sự khác nhau như trên. Sở dĩ SGDV Sài Gòn có giá cao do số lượng NĐT lớn, chịu tác động của yếu tố tâm lý mạnh hơn. "Đã có không ít NĐT bán xong giá cao ở SGDV Sài Gòn thì đảo qua SGDV SJC Hà Nội hoặc Phố Wall để mua lại với giá thấp hơn. Nếu có vốn lớn, việc thao túng giá tại những sàn có quy mô nhỏ là không khó", vị chuyên gia này cho biết.

Theo nguồn tin của ĐTCK, hiện dự thảo quy chế hoạt động của SGDV đang được Hiệp hội Kinh doanh vàng chấp bút. Sau khi hoàn thiện, Hiệp hội sẽ trình NHNN cho ý kiến. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ trình Chính phủ dự thảo này, sau đó sẽ có một Nghị định riêng về hoạt động của SGDV. Theo một thành viên của Ban soạn thảo, SGDV sẽ được tổ chức theo mô hình sàn giao dịch tập trung và có các sàn giao dịch thứ cấp. SGDV sẽ không hạn chế về số thành viên tham gia nhưng phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và công nghệ.

Ngoài nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về giá, còn phải kể đến cách thức tổ chức tại mỗi SGDV. NĐT vàng qua sàn của ACB nhập lệnh mua - bán qua các đại lý nhận lệnh là chi nhánh của ngân hàng này. Sau đó, lệnh được chuyển về trung tâm vàng của ACB và được đẩy vào SGDV Sài Gòn. Còn tại SGDV Phú Quý, lệnh của NĐT được nhập trực tiếp vào SGDV Sài Gòn, thay vì qua một khâu trung gian. Hiện có khoảng 15 DN là thành viên của SGDV Sài Gòn. Nếu DN nào có nhu cầu mở sàn thứ cấp sẽ đứng ra tổ chức nhận lệnh của NĐT nhỏ lẻ, sau đó chuyển vào SGDV Sài Gòn.

Đối với công ty không phải là thành viên giao dịch của SGDV Sài Gòn thì buộc phải tổ chức một sàn riêng. Chẳng hạn, CTCP Vàng Phố Wall tự tổ chức với cơ chế khớp lệnh tương tự SGDV Sài Gòn. Nghĩa là NĐT mua - bán nhập lệnh vào hệ thống của SGDV Phố Wall, sau đó tự khớp lệnh.

Như vậy có thể thấy, sự lộn xộn trong việc tổ chức các SGDV. Theo tính toán sơ bộ, có khoảng 10 SGDV đã và sắp đi vào hoạt động, mỗi sàn theo một cơ chế riêng không chịu giám sát của cơ quan nào.

Vận hành theo cơ chế nào?

Sau khi kiểm tra hoạt động của SGDV Sài Gòn và khảo sát SGDV Thượng Hải (SGE), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xây dựng quy chế hoạt động của SGDV. Một số chuyên gia cho rằng, lý tưởng nhất là xây dựng theo mô hình của SGE. Theo đó, NHNN sẽ đứng ra tổ chức SGDV. Khi mới bắt đầu thành lập, SGE được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hỗ trợ từ mặt bằng kinh doanh đến vốn lưu động khoảng 60 triệu nhân dân tệ (8,5 triệu USD). Việc phát triển các hoạt động của SGE đã đảm bảo thỏa mãn cung cầu cho các giao dịch vàng giao ngay tại Trung Quốc. Trước đây, giao dịch vàng giao ngay chiếm gần như tuyệt đối và phải ký quỹ 100% nhưng từ năm 2007 trở lại đây, giao dịch kỳ hạn có ký quỹ 10%, chiếm khoảng 70% tổng giá trị giao dịch. Hiện nay, SGE là SGDV duy nhất, các thành viên khác (chủ yếu là những tổ chức tài chính - ngân hàng) có sàn giao dịch thứ cấp, nhưng phải chuyển lệnh 100% về sàn trung tâm (không có hạch toán bù trừ tại sàn thứ cấp).

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc lập một SGDV tập trung với cơ chế vận hành như Sở/TTGDCK hiện nay sẽ tạo được sự công bằng, minh bạch trong giao dịch của NĐT.

Trên thực tế, việc giao dịch tại SGDV hiện nay vẫn có sự tham gia của các đơn vị tổ chức SGDV, đồng nghĩa với việc thiếu đi tính công khai, minh bạch. Như vậy, việc cho ra đời một SGDV tập trung là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ NĐT và tạo sự sôi động cho thị trường vàng. Tuy nhiên, hiện vấn đề đặt ra: ai sẽ là cơ quan quản lý SGDV? Vì nếu tổ chức theo mô hình SGE, NHNN phải đầu tư một khoản không nhỏ xây dựng cơ sở vật chất. Có luồng ý kiến cho rằng, nếu NHNN không có đủ kinh phí để thành lập SGDV, nên để Hiệp hội Ngân hàng đứng ra tổ chức trên cơ sở huy động vốn từ các thành viên. Tuy nhiên, hiện không ít ngân hàng đã tổ chức SGDV và có lượng NĐT ổn định, nên không muốn góp vốn thành lập một sàn chung. Cơ quan nào sẽ tổ chức và quản lý SGDV đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp.           

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục