Có quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ?

(ĐTCK-online) Mặc dù tốc độ lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay (0,18%), thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản tại các ngân hàng được cải thiện và nguồn vốn dồi dào trở lại, nhưng không ít chuyên gia ngành tài chính cho rằng, với thực tế thị trường tài chính trong và ngoài nước hiện nay, vẫn còn sớm để nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Nhiều khả năng lãi suất cơ bản tháng tới sẽ tiếp tục được giữ nguyên mức 14%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhận định, chủ trương tăng lãi suất dự trữ bắt buộc là biện pháp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ một phần khó khăn với các tổ chức tín dụng trong điều kiện cần phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện chính sách tín dụng và chính sách khách hàng của mình. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực trong nền kinh tế sau khi Chính phủ, NHNN thực hiện một loạt biện pháp rất mạnh tay và cương quyết trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát dù còn ở mức cao nhưng xu hướng tăng chậm lại đã khá rõ; thâm hụt thương mại giảm; tỷ giá ổn định; thanh khoản thị trường tốt đã làm ngừng "cuộc đua" lãi suất huy động; nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng rất mạnh.

Mặc dù vậy, nhưng theo vị tổng giám đốc trên, không thể lạc quan quá mức mà cần định dạng rõ các nguy cơ và nhận thức một cách rõ ràng là nền kinh tế đất nước vẫn đang đối mặt với các vấn đề lớn từ nội tại và ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chủ trương tiết giảm lạm phát của Chính phủ hiện nay chủ yếu thực hiện bằng các chính sách tiền tệ; trong đó, tập trung chủ yếu ở động thái giảm cung tiền và điều đó đã tác động toàn diện lên tất cả người dân cũng như doanh nghiệp, khiến đà tăng trưởng GDP suy giảm khá mạnh.

Bên cạnh đó, các biện pháp giảm cầu bằng cách bớt các khoản đầu tư lớn, hút nhiều vốn và kém hiệu quả chưa phát huy tác dụng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra các vấn đề xã hội. Vì vậy, nếu bắt đầu nới lỏng quá sớm và đồng loạt các chính sách vĩ mô do sức ép tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội, có thể sẽ xóa bỏ những thành tựu kiềm chế lạm phát vừa qua. Việc NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản là một minh chứng cho sự cẩn trọng và e ngại đối với rủi ro này. Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, nhiều khả năng lãi suất cơ bản tháng tới sẽ tiếp tục được giữ nguyên mức 14%/năm.

Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), lãi suất tiết kiệm hiện nay so với lạm phát đã xảy ra trong quá khứ là âm, nhưng so với lạm phát sẽ xảy ra trong tương lai thì chưa hẳn là âm. Cụ thể, các dự đoán bi quan nhất cũng cho rằng, lạm phát năm 2009 sẽ không quá 15%, lạc quan hơn thì dự báo có thể ở mức 1 con số. Theo dự đoán của ông Hải, thực tế có thể sẽ đâu đó giữa 2 con số này. Với tình hình lãi suất ngày hôm nay và dự báo lạm phát ấy, những khách hàng gửi tiết kiệm dài hạn bằng tiền đồng hoàn toàn có thể được hưởng lãi suất thực dương, nếu so sánh lãi suất huy động tiết kiệm và dự phòng lạm phát cho 12 tháng tới. Do vậy, nếu không có gì đặc biệt xảy ra, xác suất cao là lãi suất tiền đồng sẽ dần đi xuống trong thời gian tới và những người dân gửi tiền kỳ hạn dài từ 9 - 12 tháng trở lên sẽ có lợi.

"Chúng tôi đang cân đối các mối quan hệ khách hàng tiền gửi - tiền vay để đưa ra mức lãi suất tiền gửi hợp lý nhất tại từng thời kỳ. Hiển nhiên là vào thời điểm khi lạm phát đã được đẩy lùi về cơ bản thì chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng, lãi suất dần hạ nhiệt và NHNN sẽ giảm dần lãi suất cơ bản trong điều kiện đó, bởi vì sẽ đến lúc chúng ta phải quay trở lại với bài toán tăng trưởng", ông Hải nói và đưa ra nhận định, nếu không có biến động lớn ngoài dự báo, lãi suất cơ bản có thể sẽ bắt đầu giảm trong quý IV/2008. Lãi suất huy động trên thị trường từ đó cũng sẽ giảm tương ứng và sẽ ở mức khoảng 12%/năm vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Bích, quyền Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Prudential Việt Nam, chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua là rất tốt đối với Việt Nam. Khi NHNN thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng không cho vay ra nhiều như năm ngoái và tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự kiến dưới ngưỡng 30%, trong khi đó tăng trưởng dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng năm ngoái vượt trên cả mức 70%. Mặc dù lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, nhưng nếu nới lỏng các chính sách tiền tệ lúc này theo các chuyên gia thì vẫn còn hơn sớm. Ông Bích cho rằng, lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh trong quý IV/2008, hoặc chậm nhất là đầu năm sau là hợp lý.        

Thuỳ Vinh
Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục