“Cổ phiếu vua” sẽ trở lại?

(ĐTCK) Đề án Tái cơ cấu hệ thống tín dụng đang bước vào giai đoạn cuối, hệ thống ngân hàng hứa hẹn sẽ lành mạnh hơn sau tái cấu trúc, khi loại bỏ được các nhà băng yếu kém.
“Cổ phiếu vua” sẽ trở lại?

Cơ hội phục hồi

Cùng với việc lựa chọn ngân hàng khác để thực hiện M&A, thì xử lý nợ xấu là nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng, vì nó nằm trong cấu phần tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng. Ngành ngân hàng đã chủ động triển khai các biện pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Con số nợ xấu các ngân hàng đã bán cho VAMC tính đến hết năm 2013 đạt 36.000 tỷ đồng.

Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nhìn chung đang diễn ra theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình của Đề án Chính phủ đặt ra. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại cổ phần đều đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản và từng bước đi vào hoạt động ổn định, kỷ luật của ngành ngân hàng từng bước được nâng cao.

Bên cạnh việc sắp xếp lại và đẩy mạnh tái cơ cấu, các ngân hàng cũng phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, các ngân hàng cổ phần đại chúng dứt khoát phải lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế, khắc phục sở hữu chéo. Vì nguyên nhân chính khiến cho hệ thống ngân hàng bị lũng đoạn, chao đảo như thời gian qua, theo Thủ tướng phải có cách giải quyết mạnh bằng các văn bản pháp quy, ngăn chặn việc rút vốn của cổ đông lớn bằng luật pháp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng Việt Nam theo hướng mở, khi cho phép các ngân hàng cổ phần Việt Nam được phép bán tối đa 20% cổ phần không cần xin ý kiến của Chính phủ và trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, với tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể, có nghĩa là hơn mức tối đa 30%.

Những yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của cổ phiếu một thời được xem là “vua” này, nhất là sau giai đoạn tái cơ cấu ngành được hoàn tất. 

Đánh giá về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng, ông Phạm Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) cho rằng, ngành ngân hàng đã ra sức cải tổ trong những năm qua và hiện Đề án Tái cơ cấu ngành đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, nhất là vào giai đoạn cuối.

Đến thời điểm này, về cơ bản, các ngân hàng yếu kém đã được kiểm soát và xử lý thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất, bán lại (M&A).

Thanh khoản của toàn hệ thống đã được cải thiện tốt và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu để lành mạnh hệ thống. Vì thế, sau quá trình tái cơ cấu, dự kiến khoảng 1 - 2 năm tới, khả năng cổ phiếu của các ngân hàng sẽ hồi phục và cải thiện thanh khoản.

Cũng theo nhận định của Chủ tịch HĐQT ORS, lãi suất huy động hiện không còn hấp dẫn, khả năng dòng tiền sẽ chuyển hướng từ tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

“Đây được xem là yếu tố hỗ trợ tích cực cho chứng khoán trong năm 2014 này”, ông Linh nói và cho rằng, một khi lãi suất được điều chỉnh giảm dần, chứng khoán sẽ được tác động tích cực và kỳ vọng thu hút được dòng tiền mới từ phía các nhà đầu tư.

Mặt khác, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng giảm mạnh thời gian qua cùng với xu hướng giảm của chứng khoán. Trong đó, không ít cổ phiếu có thời điểm chỉ còn nửa mệnh giá và được xem là cơ hội để mua vào. Chẳng hạn như cổ phiếu của OCB, Eximbank đã giảm rất thấp, khiến ông chủ của các nhà băng này đang lên kế hoạch mua lại để “đỡ” giá.

Cụ thể, Eximbank lên kế hoạch mua  62 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian từ cuối năm 2013 đến đầu 2014. Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Lê Hùng Dũng cho rằng, sở dĩ Ngân hàng quyết định mua cổ phiếu quỹ là do cổ phiếu Eximbank đang được giao dịch với giá ở mức thấp. Sau này, khi cổ phiếu tăng, Ngân hàng sẽ lại bán ra, lợi ích thu về sẽ cao hơn so với kỳ vọng cổ tức 12-15% hiện nay, cổ đông sẽ được lợi.

Tương tự, OCB cũng có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ vào cuối năm 2013 và theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, việc mua lại cổ phiếu quỹ là do nhận thấy giá đã về mức phù hợp để mua vào.

Ngân hàng sẽ mạnh hơn sau tái cơ cấu

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, sau khi xác định được 9 ngân hàng yếu kém cần cơ cấu lại và triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình hoạt động của 9 ngân hàng này, đến nay, 8/9 ngân hàng đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt, 1 ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài. Tình hình hoạt động của các ngân hàng này đã ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

Các ngân hàng đã hợp nhất, sáp nhập gồm SCB, SHB, HDBank đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Đến nay, hoạt động của SCB dần ổn định sau 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu. SCB cho biết, Ngân hàng đã đạt được một số mục tiêu như: xử lý 5.000 tỷ đồng nợ xấu, thanh toán nợ liên ngân hàng, tái cấu vốn…

SHB, sau hơn 1 năm nhận sáp nhập Habubank, đến nay đã gia tăng được thị phần, khách hàng, đặc biệt là từng bước xử lý khoản nợ xấu tiếp nhận từ Habubank thông qua việc bán nợ xấu cho VAMC.

DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, với tỷ lệ chuyển đổi 1:1. HDBank là tổ chức tài chính lành mạnh, trong khi DaiA Bank không thuộc diện ngân hàng tái cơ cấu bắt buộc. Vì thế, sau cuộc “hợp hôn”, HDBank sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn trước.

Hiện các nhà băng sau M&A đang lên kế hoạch gọi thêm vốn từ cổ đông ngoại, trong đó HDBank dự kiến bán tối đa 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật. SCB, Navibank hay GP.Bank cũng lên kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, để có tiềm lực tài chính đẩy mạnh tái cơ cấu. Riêng SCB, theo quyền Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, lại đặt kế hoạch nâng cao giá trị nội tại để “được giá” hơn khi chào bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh việc tập trung xử lý 9 ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục đánh giá, xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém khác (2 ngân hàng thương mại cổ phần, 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) và yêu cầu các tổ chức tín dụng này xây dựng phương án cơ cấu lại trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm trong năm nay theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF)- 2013 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; tiếp tục cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh và xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu nâng cao hoạt động của VAMC. Đặc biệt, giai đoạn năm 2014-2015, sẽ bán tiếp cổ phần của 4 trong 5 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa, nhằm tạo đà hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020.

Hiện cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung (VCB, CTG, EIB, STB, ACB, MB…) đang thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh của các nhà băng này năm qua khá khả quan, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đã có tác động tích cực lên giá cổ phiếu.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục