Đó là nhận định của ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia cao cấp CTCP Chứng khoán MB (MBS) trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.
Ông đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện nay như thế nào? Cổ phiếu nhóm này còn tiềm ẩn rủi ro gì mà chưa thể sôi động hơn, thưa ông?
Từ đầu năm đến nay, nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh thuộc về nhóm hàng tiêu dùng, nông thủy sản, bất động sản…, nhưng riêng cổ phiếu ngân hàng hầu như không tăng, thậm chí một số cổ phiếu nhóm này như EIB còn giảm so với đầu năm.
Thực tế cho thấy, trong năm 2013, đa số các NHTM tiếp tục sụt giảm mạnh về tài sản, doanh thu và lợi nhuận. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự kém hấp dẫn của các cổ phiếu này.
Thêm nữa, nợ xấu của toàn ngành nói chung vẫn nằm ở mức cao, điều này không chỉ đe dọa đến lợi nhuận mà còn cả sự an toàn của ngành. Mặc dù Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, nhưng tính đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 142.000 tỷ đồng, chiếm 4,55% tổng dư nợ tín dụng.
Ngành bất động sản, khách hàng lớn và cũng là con nợ xấu lớn của ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen khủng hoảng, khiến cho nguy cơ nợ xấu tiếp theo của ngân hàng vẫn chưa được giải tỏa hết.
Thông tin lạm phát và lãi suất thương mại giảm mạnh là tin vui đối với toàn nền kinh tế nhưng lại là áp lực đối với các ngân hàng. Bởi lãi suất thương mại giảm cũng đồng thời thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay, khiến cho lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng giảm, trong khi mảng này chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận của ngân hàng.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế còn khó khăn nên các DN đều hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, khiến cho vốn trong ngân hàng ứ đọng, dẫn đến doanh thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng càng thu hẹp hơn. Một số ngân hàng mở rộng cho vay ở lĩnh vực tiêu dùng có thể giải quyết nhu cầu tăng trưởng tín dụng ngắn hạn, nhưng sẽ gia tăng rủi ro dài hạn nếu như việc cho vay không được kiểm soát chặt chẽ.
Tháng 6/2014, theo kế hoạch NHNN sẽ áp dụng Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro. Nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo, việc áp dụng thông tư này sẽ làm tăng con số nợ xấu của các ngân hàng theo báo cáo và từ đó tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng.
Các rủi ro và áp lực trên khiến cho việc tái cấu trúc ngành ngân hàng được dự báo sẽ kéo dài, từ đó khiến cho sức hấp dẫn ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sút trong năm 2013.
Vậy trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng có sôi động trở lại? Yếu tố nào sẽ hỗ trợ nhóm cổ phiếu này?
Như đã phân tích ở trên, lý do chính khiến cho nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa sôi động trong thời gian gần đây chủ yếu nằm ở các vấn đề nội tại của ngành ngân hàng. Những vấn đề này sẽ cần thời gian để có thể giải quyết triệt để, nên trước mắt khó có thể kỳ vọng sự sôi động của nhóm cổ phiếu ngành này.
Việc giải quyết nợ xấu thông qua VAMC giúp các ngân hàng giải quyết được một phần nợ xấu và vay được vốn rẻ để tập trung vào ngành kinh doanh chính. Tuy nhiên, những NĐT cá nhân vốn có ít thông tin về nợ xấu thì nay thông qua hoạt động của VAMC sẽ có cảm nhận nhiều hơn đối với con số nợ xấu lớn của ngành ngân hàng. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của NĐT, đặc biệt là những NĐT nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, nếu những điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện tích cực thì nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ được hỗ trợ giá đáng kể. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thu hút được sự chú ý của NĐT khi có những hoạt động thâu tóm sáp, hoạt động hiệu quả của VAMC hay các chính sách mới tháo gỡ triệt để khó khăn của ngành bất động sản…
Ông có khuyến nghị NĐT đầu tư cổ phiếu ngân hàng nào?
Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa khuyến nghị đầu tư ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, vì năm 2014 được dự báo là năm tiếp tục tái cấu trúc của ngành ngân hàng. Cũng cần lưu ý, ngành ngân hàng có vị trí chiến lược trong nền kinh tế nên sẽ được hưởng lợi từ quá trình phát triển lâu dài của nền kinh tế. Vì vậy, thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng sẽ phù hợp với những NĐT theo giá trị, có mục tiêu đầu tư dài hạn.
Đối với việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng nào để đầu tư dài hạn, NĐT nên lựa chọn cổ phiếu đang duy trì hoạt động ổn định, có dòng cổ tức đều đặn, chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp và ít có (hoặc đã xử lý ổn thỏa) hiện tượng sở hữu chéo cũng như cho vay chéo trong nội bộ ngân hàng như EIB, VCB, MBB, ACB, STB…
Vậy dự báo TTCK nửa đầu năm 2014 sẽ như thế nào, thưa ông?
TTCK Việt Nam năm 2013 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và rộng rãi của toàn thị trường cũng như ở hầu hết các nhóm cổ phiếu. Quá trình phục hồi chậm rãi từ đáy thấp nhất trong lịch sử vào năm 2009 đến năm 2013 cho thấy, khả năng TTCK đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất và bắt đầu quá trình tăng trưởng trở lại với sự phục hồi của niềm tin và dòng tiền đầu tư.
Động tác cắt giảm nhẹ chương trình mua trái phiếu hàng tháng (gói QE) của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ đã tạo ra tâm lý khá tốt cho TTCK toàn cầu, tiếp tục tăng cường niềm tin của NĐT về quá trình phục hồi kinh tế chung, và từ đó về lâu dài vẫn tiếp tục gia tăng dòng tiền đầu tư vào chứng khoán, giúp cho TTCK Việt Nam hưởng lợi gián tiếp từ nguồn vốn đầu tư này, cũng như tăng cường tâm lý chung của NĐT.
Vì vậy, chúng tôi có cái nhìn tích cực đối với TTCK trong nửa đầu năm 2014. Nếu VN-Index duy trì được vùng giá 485 trở lên thì khả năng chỉ số này có thể vượt qua đỉnh giá 533,15 của năm 2013 để đạt vùng giá 585 - 625 điểm. Với kỳ vọng này, đặt trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang giảm dần đều thì TTCK sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2014.
>> Ngân hàng, trước khi lên sàn phải “sạch”
>> Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn
>>Khối ngoại loại cổ phiếu ngân hàng