Trong 5 ngày qua, hôm nay là ngày thứ ba chỉ số VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 1370-1375 điểm và một lần nữa chưa thể vượt mốc 1375 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số chỉ dừng ở mốc 1.371 điểm, tăng gần 14 điểm trong ngày, tương đương 1%, với 266 mã tăng giá, 117 mã giảm giá và 32 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Rổ VN30 hôm nay tăng ấn tượng hơn với mức tăng 16,5 điểm, tương đương 1,1%. Trong số 30 mã trong rổ này thì có tới 18 mã tăng giá, 10 mã giảm giá và 2 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Thanh khoản thông qua khớp lệnh trên HOSE đạt 27.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, với gần 828 triệu đơn vị được trao tay.
Trong khi đó VN30 có giá trị khớp lệnh trên 13 ngàn tỷ đồng, khối lượng đạt 258,6 triệu đơn vị. Đây là khối lượng cao nhất kể từ phiên ngày 20/7 cho tới nay.
Sự rực rỡ của rổ VN30 hôm nay đến từ sự thăng hoa của cổ phiếu dòng ngân hàng. Sau nhiều tuần tích lũy, cổ phiếu dòng bank chào tuần mới bằng sự bứt phá đồng loạt, trong đó đáng kể nhất là các cổ phiếu bank thuộc rổ VN30.
Tín hiệu chuyển động tích cực của cổ phiếu ngân hàng bắt đầu được phát ra khoảng 10 giờ sáng nay khi dòng tiền bắt đầu có sự chuyển động mạnh hơn vào nhóm này. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ thực sự chảy mạnh vào các cổ phiếu bank kể từ thời điểm mở cửa phiên chiều, đẩy cổ phiếu vua đồng loạt bứt phá và kết thúc phiên với kết quả hết sức ấn tượng.
Theo đó, trong rổ VN30, toàn bộ 10 cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là cổ phiếu MBB với mức tăng là 4,73%, tiếp theo là cổ phiếu TCB (3,45%), VPB (3,14%), HDB (2,88%), CTG (2,33%), STB (2%), BID (1,76%), ACB(1%), VCB (1%) v.v…
Giữ cái đầu lạnh
Hiện nay diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn hết sức căng thẳng, nhiều địa phương, trong đó có những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn phải tiến hành giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng tiền của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động với ngân hàng rõ ràng là rất lớn. Các lĩnh vực như du lịch, hàng không, vận tải, kho cảng… sẽ tiếp tục gặp khó khăn và ngân hàng có thể khó thu hồi nợ. Cho dù nhiều khoản vay trong lĩnh vực này chưa bị chuyển nhóm nhờ được cơ cấu nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, nhưng bản chất đã là nợ xấu và ngân hàng đã phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng công bố lãi lớn, song nhìn báo cáo tài chính cũng có thể thấy, lãi dự thu cũng tăng rất mạnh. Thực tế, có những khoản lãi dự thu ngân hàng “treo” đến 2 - 3 năm mà vẫn chưa thu hồi được.
Nói cách khác, nhiều ngân hàng công bố lãi lớn, song nhiều khoản đang là “đếm cua trong lỗ”, chưa kể lợi nhuận còn sẽ bị ăn mòn bởi trích lập dự phòng dự kiến tăng lên trong năm nay theo quy định của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.
Đó là chưa kể để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng còn phải hạ lãi suất cho vay, mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Rõ ràng là triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng chưa thể nói là thực sự tươi sáng tại thời điểm hiện tại. Vì thế, nhà đầu tư cần phải hết sức cảnh giác trước sự tăng giá bất thường của cổ phiếu vua.