Cổ phiếu VKC tăng “ngược”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu VKC của Công ty cổ phần Cáp - Nhựa Vĩnh Khánh bất ngờ tăng trần 10 phiên liên tiếp, tăng 173%, dù kết quả kinh doanh suy giảm, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thị trường chứng khoán gần đây có “sóng” cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Thị trường chứng khoán gần đây có “sóng” cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Lợi nhuận lao dốc

VKC có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, năm 2020 ghi nhận doanh thu hơn 1.304 tỷ đồng nhưng lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng, tiếp tục sụt giảm so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2016 lãi 40 tỷ đồng, năm 2017 giảm xuống 8 tỷ đồng, đến năm 2018 và 2019 chỉ còn 2 tỷ đồng/năm. Từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp không thực hiện chi trả cổ tức.

6 tháng đầu năm 2021, ở báo cáo tài chính tự lập, VKC ghi nhận lãi ròng 1,25 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau soát xét, giá vốn của Công ty tăng thêm 259 triệu đồng và chi phí quản lý tăng thêm 65 triệu đồng nên lãi ròng giảm 21%, còn 994 triệu đồng.

Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 1.061 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế hơn 12 tỷ đồng, gấp 12 lần năm 2020. So với kế hoạch đề ra, VKC mới thực hiện được 8% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối quý II/2021, VKC có tổng tài sản gần 644 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm quá nửa so với đầu năm, còn hơn 18 tỷ đồng; hàng tồn kho giá trị gần 162 tỷ đồng, tăng 28%; khoản phải thu ngắn hạn gần 199 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Về nguồn vốn, Công ty có nợ phải trả hơn 323 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính ngắn hạn, tăng 8% so với đầu năm.

Lãnh đạo liên tục thoái vốn

Tính đến cuối năm 2020, VKC có hai cổ đông lớn là ông Lâm Huy Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 16,8% vốn điều lệ và ông Võ Thiên Chương, Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị, sở hữu 10,37% vốn điều lệ.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Lâm Quy Chương đăng ký bán 2,9 triệu cổ phiếu VKC, tương ứng tỷ lệ 15% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến diễn ra giao dịch từ ngày 15/9 đến 14/10/2021.

Ông Võ Thiên Chương, ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VKC đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu, từ ngày 17/9 đến 15/10/2021, trong tổng số 2 triệu cổ phiếu đang sở hữu (tỷ lệ 10,37%).

Một lãnh đạo doanh nghiệp khác là ông Đỗ Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 200.000 cổ phiếu VKC, từ ngày 16/9 đến 15/10/2021, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,04%.

Trước đó, ngày 10/9, ông Lương Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc VKC đã bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu đang sở hữu, tương ứng tỷ lệ 2,59% vốn điều lệ.

Cẩn trọng rủi ro

Diễn biến tăng giá bất ngờ của cổ phiếu VKC không còn lạ lẫm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Gần đây cũng như trong quá khứ, không thiếu trường hợp cổ phiếu ghi nhận chuỗi tăng trần liên tục, mà không dựa trên yếu tố cơ bản như sự chuyển biến của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Có những doanh nghiệp kinh doanh lao dốc, thậm chí thua lỗ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.

Đối với VKC, việc cổ đông lớn “bỏ rơi”, tình hình kinh doanh chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đợt tăng giá này được nhìn nhận là nhờ “sóng” cổ phiếu nhóm vốn hóa nhỏ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phù hợp với trạng thái của nền kinh tế và không tương xứng với giá trị của không ít doanh nghiệp.

Trên thị trường xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.

Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng trước diễn biến tăng nóng của các cổ phiếu nhỏ mang tính chất đầu cơ cao, dòng tiền vào nhanh có thể sẽ ra nhanh, khiến những người mua đuổi chịu rủi ro cầm “than đỏ”.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục