Cổ phiếu VCB "đẩy" VN-Index về sát mốc 1.100 điểm, đột biến tại NVL

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép, với VCB là tác nhân chính khiến thị trường lùi về sát mốc 1.100 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu NVL bất ngờ "quay xe" tăng mạnh về giá với khối lượng khớp lệnh ATC gần 14,2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu VCB "đẩy" VN-Index về sát mốc 1.100 điểm, đột biến tại NVL

Những tưởng thị trường sẽ có màn quay xe ấn tượng vào thời điểm sau 14h khi VN-Index bắt đầu hồi phục nhẹ nhờ lực cầu gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhưng chỉ số không đi quá xa rồi nhanh chóng thoái lui, trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh.

Sự kỳ vọng hoàn toàn sụp đổ trong đợt khớp lệnh ATC khi áp lực bán tiếp tục dâng cao hơn đã khiến thị trường nới rộng đà giảm, về vùng giá thấp nhất trong ngày và may mắn vẫn giữ được mốc 1.100 điểm.

Thị trường ghi nhận phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp và trở lại vạch xuất phát của tháng 12 khi để mất hơn 7, đóng cửa ở mức 1.102 điểm với thanh khoản chưa mấy cải thiện. Trong đó, “lỗi lớn” thuộc về anh cả ngành ngân hàng – VCB khi cổ phiếu này chịu áp lực từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đã nới rộng đà giảm.

Đóng cửa, cổ phiếu VCB giảm 2,6%, xuống mức giá thấp nhất trong ngày 82.200 đồng/CP, đồng thời đây cũng là mức giá thấp nhất trong 6 tháng qua (tính theo mức giá đã điều chỉnh do Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:181). Đồng thời, cổ phiếu VCB có ảnh hưởng lớn nhất khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số chung.

Bên cạnh đó, thanh khoản của VCB cũng cao nhất trong 1 tháng với hơn 2,53 triệu đơn vị và là mã đứng ở vị trí thứ 4 trong danh mục cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với khối lượng bán ròng gần 1,63 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt gần 135 tỷ đồng.

Bên cạnh VCB, các mã bluechip khác cũng ghi nhận mức giảm sâu và đóng cửa tại vùng giá thấp nhất ngày như MSN giảm 3,1%, BCM giảm 2,7%, VJC giảm 2,2%, MWG giảm 2%, BVH giảm 1,6%.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30 chỉ còn 5 mã khởi sắc, trong đó có sự góp mặt của 4 cổ phiếu nhà bank với ACB tăng tốt nhất là 1,1%, còn HDB, TPB, TCB tăng dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HQC tiếp tục nóng hơn trong phiên chiều, bấp chấp bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu HQC kéo trần thành công, đóng cửa tăng 7% lên mức 4.440 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 29,5 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là NVL. Ngay sau khi Công ty công bố Nghị quyết HĐQT “hé lộ” về bản hợp đồng 2.800 tỷ đồng mua bán các sản phẩm của dự án NovaWorld Phan Thiết, cổ phiếu NVL đã dần tìm được sắc xanh trong phiên chiều và đóng cửa tăng 3,7% lên mức 16.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 38,52 triệu đơn vị, trong đó riêng đợt khớp lệnh ATC đã chuyển nhượng thành công tới gần 14,2 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán đã không giữ được “phong độ” và đồng loạt hạ độ cao hoặc đảo chiều về mốc tham chiếu như VDS, VCI, thậm chí là chuyển đỏ như SSI, TVB, APG. Trong đó, cổ phiếu VND là mã giao dịch sôi động nhất nhóm với thanh khoản đạt 37,99 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,6% lên mức 21.800 đồng/CP.

Nhóm sản phẩm cao su là tăng mạnh nhất, với sự góp mặt của CSM tăng 2,56%, DRC tăng hơn 3%, BRC tăng 4,35%, chỉ SRC đứng giá tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, với gánh nặng chính của VCB, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới biên độ giảm so với phiên sáng. Trong đó, SHB sau tín hiệu hồi phục nửa đầu phiên chiều cũng đã quay đầu và đóng cửa đứng giá tham chiếu 10.800 đồng/CP, giao dịch lớn nhất họ bank, đạt 18,98 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 162 mã tăng và 338 mã giảm, VN-Index giảm 7,83 điểm (-0,71%), xuống 1.102,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 749,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.885 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và 8,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,25 triệu đơn vị, giá trị 1.714,44 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng lùi về dưới mốc tham chiếu trong đợt khớp ATC.

Đóng cửa, sàn HNX có 70 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 227,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,52 triệu đơn vị, giá trị 1.534,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,44 triệu đơn vị, giá trị 104,83 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX dù biên độ có giảm chút ít về cuối phiên. Trong đó, SHS đóng cửa tăng 1,6% lên mức 18.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn sôi động nhất với hơn 17,65 triệu đơn vị khớp lệnh, MBS tăng 2,7% lên 22.600 đồng/CP và khớp 5,12 triệu đơn vị, BVS tăng nhẹ, PSI và VIG lấy lại mốc tham chiếu…

Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản CEO cũng đảo chiều thành công, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên 22.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS với hơn 15 triệu đơn vị.

Trái lại, trong nhóm HNX30, các mã HUT, PVS, TIG, IDC đã không giữ được sắc xanh sau pha hồi phục nhẹ đầu phiên chiều, đều đóng cửa giảm nhẹ trên dưới 1%, với khối lượng khớp lệnh 2-7 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%) xuống 85,05 điểm với 141 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,14 triệu đơn vị, giá trị 333,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,12 triệu đơn vị, giá trị 52,47 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR khá giằng co và đóng cửa vẫn giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.500 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu thị trường với 4,16 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Tiếp theo là cặp đôi nhỏ VHG và DPS lần lượt khớp hơn 4 triệu đơn vị và 1,65 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,7% và đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu BCR đóng cửa vẫn giảm 10%, xuống mức 9.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 1,14 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%, với VN30F2312 giảm 4,6 điểm, tương đương -0,4% xuống 1.099,3 điểm, khớp lệnh hơn 223.450 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 63.670 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ lớn, trong đó, CHPG2325 dẫn đầu thanh khoản với 2,47 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,9% xuống 350 đồng/cq. Theo sau là CMWWG2314 với 1,82 triệu đơn vị và giảm 6,2% xuống 610 đồngcq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục