Cổ phiếu TNA trước áp lực pha loãng

(ĐTCK) Dù được hỗ trợ bằng nền tảng tăng trưởng kinh doanh khá ổn nhiều năm qua, nhưng cổ phiếu TNA của CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam vẫn khiến cổ đông băn khoăn bởi mục tiêu tăng vốn lớn và nguy cơ xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Cổ phiếu TNA trước áp lực pha loãng

Áp lực pha loãng ngắn hạn

ĐHCĐ thường niên năm 2018 của TNA đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 125 tỷ đồng lên 451 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 3 lần, bao gồm thưởng cổ phiếu tỷ lệ 139%, phát hành ESOP cho cán bộ chủ chốt và chào bán 15 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá bán không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Trước mắt, việc tăng vốn lên 300 tỷ đồng đã chốt thời điểm và kế hoạch triển khai. 

Tại thời điểm 30/6/2018, TNA có vốn chủ sở hữu 425 tỷ đồng; giá trị sổ sách mỗi cổ phần đạt 34.000 đồng. Tuy nhiên, nếu so với vốn điều lệ sau phát hành tăng vốn lên gần 300 tỷ đồng, giá trị sổ sách mỗi cổ phần của TNA giảm xuống còn 13.700 đồng. So với mức kết thúc phiên 17/9 là 34.600 đồng/cổ phiếu, thị giá TNA đang cao hơn gấp 2,5 lần so với giá trị sổ sách.

Trong khi đó, so với kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm nay, lợi nhuận trên mỗi cổ phần sau phát hành dự kiến đạt khoảng 3.000 đồng, P/E của TNA vào khoảng 11,5 lần.

Năm 2018, TNA đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu dự kiến 4.560 tỷ đồng, tăng khoảng 10%; lợi nhuận trước thuế dự kiến 181 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm 2017. Trong đó, theo đại diện Công ty, hoạt động thương mại sắt thép vẫn là mảng đóng góp lợi nhuận lớn nhất với 66 tỷ đồng.

Ngoài sắt thép, một lĩnh vực khác đóng góp đáng kể vào hoạt động kinh doanh của TNA là bất động sản, bao gồm bất động sản cho thuê và đầu tư phát triển dự án.

Nguồn thu từ hoạt động cho thuê đóng góp lợi nhuận đều đặn qua các năm cho TNA khoảng 30 - 40 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, ở lĩnh vực đầu tư dự án, dự án đang được kỳ vọng nhất là Khu đô thị Happy Home tại Cà Mau, TNA tham gia với tỷ lệ góp vốn 22,5%.

Theo kế hoạch, năm 2018 hoạt động đầu tư bất động sản và dịch vụ cho thuê văn phòng đóng góp 38 tỷ đồng và 55 tỷ đồng từ một phần Dự án Happy Home.

Bên cạnh đó, cuối năm 2017, TNA bước chân vào thị trường điện máy và dự kiến năm 2018, lĩnh vực này đóng góp hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận.

Chiếm phần nhỏ còn lại trong cơ cấu lợi nhuận của TNA là hoạt động kinh doanh công nghệ phẩm. Năm 2018, Hội đồng quản trị TNA cũng đã thông qua chủ trương đầu tư vào giáo dục với phân khúc trường mầm non, đồng thời đầu tư vào mô hình “motorhome” vốn còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam.  

Cơ hội nào cho TNA?

Dù các chỉ số bị tác động trong ngắn hạn bởi kế hoạch phát hành, nhưng hãy xem TNA có gì để nhà đầu tư có thể kỳ vọng.

Với hoạt động kinh doanh tăng trưởng qua các năm, Công ty duy trì mức cổ tức tiền mặt trên 15%/năm, đồng thời với chính sách thưởng cổ phiếu mỗi năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, TNA ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sụt giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là biên lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần giảm so với cùng kỳ, đạt 5,9%; trong khi cùng kỳ hơn 6,7%; khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu nhìn lại lịch sử hoạt động, quý IV thường là thời điểm doanh thu và lợi nhuận của TNA được hạch toán nhiều nhất trong năm, trong khi quý III là quý thấp nhất.

Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm, TNA mới hoàn thành lần lượt 41% kế hoạch doanh thu và khoảng 31% kế hoạch lợi nhuận. Do đó, năm nay khó có thể kỳ vọng là năm đột biến lợi nhuận của TNA.

TNA đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2018 - 2022 sẽ gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó với tổng doanh thu 24.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, đồng thời đề ra lộ trình tăng vốn từ 125 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng chia làm nhiều giai đoạn.

Để đảm bảo quy mô và hiệu quả hoạt động tương xứng, Ban lãnh đạo TNA phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 10% năm, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 14%/năm trở lên, tỷ lệ cổ tức hàng năm từ 15% trở lên.

Trong đó, dự án bất động sản tại Cà Mau mà TNA hợp tác thực hiện giai đoạn 1 là một trong cơ sở quan trọng để kỳ vọng.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào một dự án cũng có thể khiến TNA chịu rủi ro nhất định nếu có vấn đề phát sinh. Ngoài ra, nhiều lo ngại đối với TNA hiện nay là việc đầu tư quá nhiều ngành nghề, có nguy cơ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán bên lề ĐHCĐ thường niên năm 2018 hồi tháng 3/2018, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNA cho biết: “Lo ngại của nhà đầu tư là dễ hiểu, nhưng ở TNA chúng tôi xác định không giới hạn ngành nghề đầu tư, lĩnh vực nào tiềm năng sẽ tham gia đầu tư, không giới hạn cơ hội của chính mình”.

Cổ phiếu TNA sẽ vẫn tiềm năng khi các kế hoạch kinh doanh mà Công ty đề ra, bao gồm cả ngắn và trung hạn thành hiện thực.

Tuy nhiên, điều này vẫn ở thì tương lai và để đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư và cổ đông, Ban lãnh đạo TNA cần có thông tin thường xuyên hơn về các mảng kinh doanh mới cũng như đòi hỏi Công ty một hệ thống quản trị rủi ro trong trường hợp có những vấn đề xảy ra với hoạt động kinh doanh mới này.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục