Cổ phiếu tin đồn hút vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ được đà tăng trong tuần qua, bất chấp diễn biến lao dốc của chứng khoán Mỹ và sự rung lắc của một số thị trường trong khu vực, một phần nhờ sự đóng góp của cổ phiếu tăng giá do tin đồn.
Thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, dòng tiền dịch chuyển nhanh để tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn. Thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, dòng tiền dịch chuyển nhanh để tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn.

Tuần qua, chỉ số VN-Index tăng 0,8%, đóng cửa tại 908,27 điểm; chỉ số VN30 tăng 1,6%, đạt 854,71 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn thu hút dòng tiền, nhưng không “dẫn sóng” khi giá biến động không nhiều, thậm chí không ít mã giảm giá. Cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào VN-Index là VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, gần 3,3 điểm.

Những cổ phiếu giảm giá tác động tới chỉ số chung không lớn, ngoại trừ VIC của Tập đoàn Vingroup - CTCP làm giảm gần 1,1 điểm.

Trong giai đoạn thị trường thiếu dòng cổ phiếu dẫn sóng cũng như những câu chuyện cụ thể của các nhóm ngành thì câu chuyện riêng lẻ và tin đồn về các cổ phiếu nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.

Trong giai đoạn thị trường thiếu dòng cổ phiếu dẫn sóng cũng như những câu chuyện cụ thể của các nhóm ngành, thì câu chuyện riêng lẻ và tin đồn về các cổ phiếu nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.

Điển hình là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín bùng nổ trong tuần qua, giá tăng 14,2%, đạt 13.300 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân là thị trường có đồn đoán rằng, Ngân hàng TMCP Kiên Long sẽ bán gần 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Phiên cuối tuần STB tăng trần, trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho chiều đi lên của VN-Index và VN30.

Cổ phiếu BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh tiếp tục hút dòng tiền, tăng thêm 9,9%, đạt 27.850 đồng/cổ phiếu. Giới đầu tư kỳ vọng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ sớm thoái vốn tại BMI khi có thông tin thoả thuận thoái vốn đã bước vào giai đoạn cuối.

Kỳ vọng thoái vốn nhà nước và kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng hỗ trợ giá cổ phiếu BMI, nhưng trong những tháng cuối năm 2020, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị ảnh bởi mặt bằng lãi suất giảm. Tính đến cuối tháng 6/2020, BMI có 2.095,8 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.

Cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng 7,4%, đạt 15.250 đồng/cổ phiếu, sau khi đã có mức tăng 19,3% trong tuần trước đó.

Nhà đầu tư kỳ vọng, HSG sẽ sớm phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với giá cao, tỷ lệ phát hành tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đồng thời, cũng có thông tin về việc một tập đoàn đến từ Thái Lan muốn mua HSG khi doanh nghiệp này có định hướng chiến lược phát triển chuỗi phân phối sản phẩm tôn thép hiện có thành chuỗi phân phối vật liệu xây dựng.

Một số cổ phiếu khác có câu chuyện tăng vốn thu hút sự chú ý của giới đầu tư có thể kể đến như FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, GEG của Công ty cổ phần Điện Gia Lai, BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital, GIL của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh.

Kết quả kinh doanh quý III/2020 của nhiều doanh nghiệp được dự báo kém khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp nói riêng, khả năng hồi phục nền kinh tế châu Á và toàn cầu nói chung.

Thị trường đã giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, dòng tiền dịch chuyển nhanh để tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn là môi trường thuận lợi cho tin đồn và dòng tiền đầu cơ tạo sóng cổ phiếu.

Chỉ số VN- Index đang gặp thách thức để vượt qua vùng 900 - 915 điểm, vốn được coi là vùng kháng cự mạnh.

Điểm tích cực là khối nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh công ty chứng khoán trong tuần qua có động thái mua ròng. Cụ thể, khối ngoại mua vào 1.011,25 tỷ đồng và bán ra 892,11 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Khối tự doanh mua vào 588,54 tỷ đồng, bán ra 242,47 tỷ đồng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, cuối tuần qua, dù thị trường chịu áp lực điều chỉnh vào giữa phiên nhưng các chỉ số chứng khoán lớn một lần nữa đã thành công khi đi lên trở lại vào cuối phiên và hình thành một phiên đi ngang.

Trong khi đó, khối lượng giảm xuống cho thấy lực bán ra không quá mạnh nên không cho tín hiệu tiêu cực. VN-Index đóng cửa sát tham chiếu, ở mức 908,27 điểm (-0,03%). VN30 giữ vững sắc xanh lúc đóng cửa, tăng 0,18%, lên 854,71 điểm.

Theo quan điểm phân tích kỹ thuật của SSI, sau khi vượt qua vùng kháng cự mạnh, các chỉ số chứng khoán thường sẽ có đợt điều chỉnh về các vùng nói trên trước khi đi lên trở lại. Do vậy, xu hướng tăng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index vẫn chưa thay đổi với mục tiêu cho đợt tăng giá này là vùng kháng cự mạnh tại 940 - 946 điểm.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục