Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh thị trường tiếp tục tăng nhẹ, các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị cũng có mức biến động khá hẹp với mức tăng giảm chủ yếu chưa tới 5%, ngoại trừ MWG tăng hơn 6%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu FPT với các luận điểm: Doanh thu chuyển đổi số tăng mạnh (+46%) trong bối cảnh ‘‘bình thường mới’’; FPT có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực nhân công với chất lượng cao và giá thành rẻ so với đối thủ; giá trị hợp đồng dài hạn được kí trong tháng 8 đạt 1,500 tỷ, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019.

Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu thuần và lợi nhuận đều tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 18.321 tỷ đồng và 3.343 tỷ đồng, tăng 7,6% và 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu FPT không được như kỳ vọng.

Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 21/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm nhẹ 400 đồng (-0,78%) từ mức giá 51.200 đồng/CP xuống 50.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu BWE với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

Chúng tôi công bố báo lần đầu dành cho CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE), công ty cấp nước lớn thứ ba tại Việt Nam và nhà phân phối nước độc quyền tại tỉnh Bình Dương, với khuyến nghị mua và giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22,8% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%).

Mới đây, các lãnh đạo Công ty như Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT, Kế toán trưởng đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu BWE, đã hỗ trợ tốt giúp cổ phiếu này có những nhịp hồi nhẹ cùng giao dịch sôi động hơn. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 23/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BWE tăng nhẹ 250 đồng (+0,95%) từ mức giá 26.200 đồng/CP lên 26.450 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 28.900 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 28.900 đồng/CP.

Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu GMD tuần qua giao dịch không mấy tích cực và biến động giằng co nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 250 đồng (-1,04%) từ mức giá 24.050 đồng/CP xuống 23.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của VCB nằm tại mức 94

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên 23/9, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross nên VCB tiềm năng sẽ thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 84.5. Mục tiêu chốt lãi của VCB nằm tại mức 94, cắt lỗ nếu ngưỡng 82.5 bị xuyên thủng.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có tuần giao dịch khởi sắc, tiếp sức cho đà tăng của thị trường, trong đó cổ phiếu đầu ngành VCB cũng không ngoại trừ. Cổ phiếu VCB đã có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp và quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần 25/9 do áp lực bán chốt lời gia tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 3.100 đồng (+3,74%) từ mức giá 82.900 đồng/CP lên 86.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho KBC, BSC đặt mục tiêu chốt lãi tại mức 15.5

VCSC hiện có khuyến nghị khả quan cho KBC với giá mục tiêu là 15.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 8,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%).

Trong khi đó, theo BSC, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu KBCnằm tại xung quanh 13.5. Mục tiêu chốt lãi của KBC nằm tại mức 15.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 13 bị xuyên thủng.

Diễn biến cổ phiếu KBC khá tích cực trong những phiên đầu tuần bởi thông tin Công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT – CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KBC từ ngày 28/9 đến ngày 27/10. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 550 đồng (+4,03%) từ mức giá 13.650 đồng/CP lên 14.200 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của PVD nằm tại mức 13.5

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 11. Mục tiêu chốt lãi của PVD nằm tại mức 13.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 10.5 bị xuyên thủng.

Diễn biến cổ phiếu PVD vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong tuần qua và thông tin được đưa ra vào ngày cuối tuần 25/9 với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông Công ty mẹ 9 tháng ước đạt 100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho đà tăng cổ phiếu này trong tuần tới.

Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 21/9 và 1 phiên giảm ngày 24/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng 350 đồng (+3,11%) từ mức giá 11.250 đồng/CP lên 11.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu là 158.300 đồng/CP

Nhìn chung, kết quả kinh doanh 8 tháng 2018 phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 158.300 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 62,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,5%.

Thông tin khả quan kết quả kinh doanh tháng 8 khởi sắc với doanh thu đạt 8.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 325 tỷ đồng, tương ứng tăng 9% và 14% so với tháng 8/2019, khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm hơn tới MWG trong tuần qua khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 6.000 đồng (+6,35%) từ mức giá 94.500 đồng/CP lên 100.500 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh trung bình của MWG tuần qua đạt gần 1,2 triệu đơn vị/phiên, gần gấp đôi so với tuần trước.

* VCSC khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu là 81.900 đồng/CP

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm 2020 của PNJ lần lượt hoàn thành 60% và 55% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu là 81.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 37,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,0%.

Cổ phiếu PNJ tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ và còn cách khá xa kỳ vọng của VCSC. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 1.600 đồng (+2,65%) từ mức giá 60.400 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 81.900 đồng/CP, thị giá hiện tại còn thấp hơn 24,3%.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 29.900 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 29.900 đồng (tăng 16%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 14,4% và tăng trưởng dài hạn là 2%.

Diễn biến cổ phiếu HPG không được như kỳ vọng của MBS khi tuần qua biến động giằng co với những phiên tăng giảm nhẹ xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 21/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 50 đồng (+0,2%) từ mức giá 25.700 đồng/CP lên 25.750 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 140.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SCS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn với giá mục tiêu là 140.000 đồng/cp, tương ứng tiềm năng tăng giá 16%

Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu SCS tuần qua biến động nhẹ và mất giá. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS giảm 2.500 đồng (-2%) từ mức giá 125.000 đồng/CP xuống 122.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 16.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với giá mục tiêu 16.200 đồngtrên cơ sở (i) nhu cầu về may mặc toàn cầu cải thiện sau dịch bệnh, (ii) hưởng lợi từ EVFTA khi thị trường châu Âu đóng góp tới trên 40% tổng doanh thu, (iii) sở hữu hệ thống quản trị nhân lực và hoạt động kinh doanh tốt, (iv) chủ trương mở rộng năng lực sản xuất, đảm bảo đáp ứng sự gia tăng đơn hàng.

Sau tuần tăng điểm khá tốt trước đó, cổ phiếu TNG đã quay đầu điều chỉnh với những nhịp giảm nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm 300 đồng (-2,22%) từ mức giá 13.500 đồng/CP xuống 13.200 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế đối với cổ phiếu LAS ở ngưỡng giá 6.0

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD cũng đều ủng hộ nhịp tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế ở ngưỡng giá 6.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 7.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 5.5.

Mặc dù được BSC nhận định và phân tích khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu LAS tuần qua giao dịch không như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LAS giảm 100 đồng (-1,64%) từ mức giá 6.100 đồng/CP xuống 6.000 đồng/CP.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục