Tổng quan ngành
Ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 1998 - 2008 (tăng trưởng trung bình 18%) và chỉ giảm trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong 9 tháng năm 2009, ngành này đạt kim ngạch xuất khẩu 3,04 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Một trong những khó khăn cố hữu của ngành vẫn là thiếu hụt về nguồn nguyên liệu, do các hộ nông dân vẫn ngần ngại trong việc mở rộng nuôi trồng sau khi đã thua lỗ trong vụ trước. Với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm 2010, ngành thủy sản có thể sẽ lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao. Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của các công ty thủy sản đã niêm yết sẽ có cải thiện đáng kể trong quý III, do đây là mùa sản xuất - kinh doanh chính. Hiện tại, đây là ngành thu hút được sự chú ý của nhiều NĐT, kể cả tổ chức và cá nhân và các cổ phiếu đều đã tăng giá khá vững vàng trong một thời gian khá dài. Số lượng DN niêm yết ngành này vẫn tiếp tục tăng trên cả hai sàn, nhưng có vẻ điều này cũng không làm nản lòng các NĐT.
Cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam 9 tháng đầu năm 2009 (nguồn Tổng cục Hải quan)
Có khá nhiều yếu tố tích cực đối với triển vọng của ngành thủy sản. Do đây là ngành hướng về xuất khẩu, sự hồi phục của tiêu dùng trên thế giới sẽ giúp các công ty gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Để chuẩn bị trước cho điều này, các công ty trong ngành đã tập trung nâng cấp năng lực sản xuất cũng như xây dựng các ngư trường/trang trại để có thể chủ động nguồn nguyên liệu. Thêm vào đó, là một ngành liên quan đến cả nông nghiệp và xuất khẩu, thủy sản sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, lãi suất hay có thể là giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản.
Tuy vậy, rào cản thị trường vẫn là những quan ngại chính đối với sự phát triển của ngành. Tại thị trường EU, vốn chiếm 40% tổng kim ngach xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, quy định về quản lý họat động đánh cá bất hợp pháp (IUU) có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 và điều này sẽ đe dọa tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, do hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản còn mang tính nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác để đẩy mạnh việc thực hiện quy định này, nhưng sẽ khó để có thể đáp ứng đầy đủ và đúng hạn. Đối với thị trường Mỹ, Đạo luật nông nghiệp năm 2008 cho phép định nghĩa lại cá da trơn (catfish) để mở đường cho việc xếp cá tra/basa của Việt Nam vào loại cá da trơn, nhằm áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về quản lý chất lượng. Quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra chậm nhất là tháng 12/2009.
Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2009 (nguồn: Tổng cục Hải quan) |
Giới thiệu công ty: CTCP Hùng Vương (HVC)
Được thành lập vào tháng 9/2003 tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và trở thành CTCP vào tháng 1/2007, HVC đã nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam với vốn điều lệ tăng từ 32 tỷ đồng lên 495 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu của Hùng Vương trong năm 2007 mới đạt 80 triệu USD đã tăng tới 50% lên mức 120 triệu USD trong năm 2008 và kế hoạch cho năm 2009 là 160 triệu USD (tăng 33%). Trong nửa đầu năm 2009, lợi nhuận ròng của HVC ở mức 161,47 tỷ đồng và với việc nửa cuối năm là mùa vụ chính của ngành, nhiều khả năng Công ty sẽ đạt được mức lợi nhuận kế hoạch là 390 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/9/2009, HVC là DN xuất khẩu cá tra/basa lớn nhất Việt Nam với lượng xuất khẩu 44.211 tấn và kim ngạch 85,52 triệu USD tính từ đầu năm (HVC cũng đứng thứ hai trong danh sách DN xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, đứng sau CTCP Thủy hải sản Minh Phú).
Chiến lược của Hùng Vương là chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con và xây dựng các hoạt động xung quanh con cá tra để có thể chủ động đối với tất cả các giai đoạn của quy trình sản xuất, xuất khẩu. Hiện tại, Hùng Vương có 8 nhà máy chế biến (với tổng công suất khoảng 1.000 tấn nguyên liệu/ngày), 2 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (nắm giữ 40% cổ phần của các công ty này, với tổng công suất 1.200 tấn/ngày), một công ty nuôi trồng thủy sản (cung cấp khoảng 30% nhu cầu chế biến của Công ty) và một kho lạnh lớn tại Khu công nghiệp Tân Tạo (công suất 30.000 tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về rủi ro của HVC, đặc biệt ở danh mục đầu tư tài chính (mặc dù trong năm 2008 HVC đã trích lập dự phòng khá lớn, ở mức 253 tỷ đồng và điều này cũng đẩy lợi nhuận trong năm 2008 của Công ty giảm xuống còn 118 tỷ đồng).
HVC dự kiến sẽ niêm yết tại sàn HOSE vào quý IV/2009 và nhiều khả năng sẽ thu hút được sự quan tâm đặc biệt của NĐT bởi tiềm lực và quy mô của mình.