Cổ phiếu thị trường mới nổi rơi vào tình trạng bấp bênh sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến giá của một số tài sản nhạy cảm với rủi ro nhất thế giới đang báo hiệu mối lo ngại rằng quyết định bắt đầu hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là quá sớm hoặc có thể không bền vững.
Cổ phiếu thị trường mới nổi rơi vào tình trạng bấp bênh sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed

Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào ngày 18/9 với mức cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, các tài sản của thị trường mới nổi đã giao dịch như thể chi phí đi vay ở Mỹ sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Điều đó khiến tài sản của các nền kinh tế đang phát triển rơi vào tình trạng bấp bênh và hướng đến một giai đoạn hoạt động kém hiệu quả khác.

Trong hơn một tháng kể từ ngày Fed thực hiện nới lỏng, động thái cắt giảm lãi suất của Fed đã bị lu mờ bởi những rủi ro mới khiến các nhà đầu tư toàn cầu e ngại, cũng như làm lu mờ những khoản lợi nhuận mà các chu kỳ nới lỏng của Fed thường được kỳ vọng sẽ mang lại. Mặc dù các mối đe dọa đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn, đồng đô la Mỹ mạnh hơn, biến động tiền tệ lớn hơn, nhưng chỉ có hai chủ đề cơ bản là khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và các biện pháp kích thích không đủ của Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi một lần nữa đang định vị phòng thủ cho một nền kinh tế Mỹ với lạm phát quay trở lại và một nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi giảm phát của Trung Quốc.

Paul McNamara, Giám đốc đầu tư tại Gam UK Ltd. ở London cho biết: "Chúng ta vẫn đang ở trong một thế giới có hai mối đe dọa tiềm tàng đối với thị trường mới nổi là sự suy yếu của Trung Quốc và biến cố từ chính quyền Trump… Một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ mà không có lạm phát là điều tốt cho thị trường mới nổi, nhưng lạm phát dai dẳng không chỉ trì hoãn các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo mà còn gây áp lực lên tất cả các tài sản rủi ro trong trung hạn".

Mặc dù động thái giảm lãi suất của Fed là yếu tố ban đầu thúc đẩy giá tài sản của các thị trường mới nổi, nhưng trước tiên, động thái này đã bị gián đoạn bởi dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên nỗi lo về lạm phát gia tăng trở lại và sau đó là những bình luận của ứng cử viên tổng thống Trump khiến nỗi lo này trở nên trầm trọng hơn. Ông đã đưa thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ vào trọng tâm chương trình nghị sự của mình. Nếu được thực hiện, điều đó có khả năng làm tăng giá tiêu dùng ở Mỹ và làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI diễn biến kém hiệu quả so với chỉ số S&P 500 trong tháng 10

Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI diễn biến kém hiệu quả so với chỉ số S&P 500 trong tháng 10

"Chúng ta chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử ở Mỹ, cuộc bầu cử có thể dẫn đến một cuộc tấn công kinh tế của chính quyền Trump vào thị trường mới nổi lớn nhất hiện nay là Trung Quốc…Việc ai đắc cử ở Mỹ gần như là một trò chơi tung đồng xu, và cũng khiến việc lựa chọn một thị trường mới nổi trở nên khó khăn", Charlie Robertson, Giám đốc chiến lược vĩ mô tại FIM Partners cho biết.

Thất vọng một lần nữa

Sau khi phục hồi trong thời gian ngắn sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, cổ phiếu thị trường mới nổi đang có chiều hướng sụt giảm trở lại. Các tiền tệ và trái phiếu thị trường mới nổi đang trên đà có tháng mang hiệu suất thấp nhất kể từ tháng 2/2023.

Các nhà đầu tư trái phiếu đã chứng kiến ​​lợi nhuận của họ trì trệ trong tháng 10 kể từ quyết định của Fed. Kỳ vọng về việc các nền kinh tế đang phát triển sẽ đi theo Fed hiện đang bị đảo lộn bởi sự thận trọng của các ngân hàng trung ương, khi các nhà hoạch định chính sách từ Indonesia đến Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tạm dừng cắt giảm lãi suất.

"Cuối cùng, trái phiếu bằng đồng nội tệ của thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng toàn cầu…Tuy nhiên, xét về góc độ lợi nhuận tổng thể, đợt phục hồi của đồng đô la Mỹ và sự chậm trễ trong nước đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể đã gây ra một số hoạt động chốt lời", Anders Faergemann, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Pinebridge Investments cho biết.

“Căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự không chắc chắn về nỗ lực hỗ trợ tiêu dùng trong nước của Trung Quốc và rủi ro sự kiện dẫn đến cuộc bầu cử Mỹ cũng sẽ làm tăng nhu cầu về phần bù rủi ro cao hơn vào cuối năm”, ông Faergemann cho biết.

Yếu tố Trung Quốc

Đối với cổ phiếu thị trường mới nổi, sự hỗn loạn đến từ bối cảnh kinh tế và chính trị của Mỹ chỉ là một trong những vấn đề. Trong khi đó, biến động dữ dội nhất trong chín năm đã bao trùm Trung Quốc khi các biện pháp kích thích liên tiếp ban đầu đã tạo ra một đợt tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ, sau đó cuối cùng không thuyết phục được các nhà đầu tư rằng chúng đủ để xoay chuyển nền kinh tế.

Chỉ số cổ phiếu thị trường mới nổi (Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất) của MSCI một lần nữa lại theo sau chỉ số S&P 500, góp phần phủ nhận kỳ vọng rằng chỉ số này sẽ thoát khỏi năm thứ bảy liên tiếp kém hiệu quả khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Những diễn biến trong thời gian kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất đã buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại mức độ tiếp xúc và nhiều người đang tránh các khoản cược toàn diện vào thị trường mới nổi mà họ đã khuyến nghị cho kỷ nguyên hậu cắt giảm lãi suất của Fed.

Hiện tại, trọng tâm thị trường là vượt qua cuộc bầu cử Mỹ. Với các cuộc khảo sát cho thấy ông Trump đang bám sát Phó Tổng thống Kamala Harris, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi phải cân nhắc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục