Sau khi VN-Index chạm đáy ngắn hạn ngày 19/7/2021 và hồi phục, sự phân hoá trên thị trường diễn ra rõ nét. Tính đến ngày 31/8/2021, chỉ số VN30 (đại diện cho nhóm vốn hóa lớn) tăng 4%, VN-Index tăng 7,1%, chỉ số giá nhóm vốn hóa trung bình tăng 13,3%.
Bên cạnh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ như vận tải, cảng biển, đầu tư công…, nhóm cổ phiếu với câu chuyện tăng vốn cũng thu hút được dòng tiền đầu tư, giúp giá tăng mạnh.
Nhìn chung, kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang hấp dẫn dòng tiền. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị khớp lệnh liên tục trên sàn HOSE tăng 373%, giá trị khớp lệnh thoả thuận tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư mới, cũng như mặt bằng lãi suất thấp đã khuyến khích nhiều người bỏ vốn vào thị trường cổ phiếu, đẩy thanh khoản cao kỷ lục.
Tận dụng sức nóng của thị trường chứng khoán, không ít doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn cổ phần. Trong đó, BCG đang có kế hoạch phát hành 148,77 triệu cổ phiếu, sau khi đã chào bán thành công 67,46 triệu cổ phiếu trong tháng 3/2021.
Trong quá khứ, mỗi khi thị trường tăng nóng, các doanh nghiệp đều tận dụng cơ hội để phát hành cổ phiếu huy động vốn.
Mới đây nhất, giai đoạn 2017 - 2018, thị trường ồ ạt diễn ra các đợt phát hành như NKG chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu năm 2017, KDH chào bán 93,6 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2017, SCR chào bán 48,77 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2018, LCG chào bán riêng lẻ 22 triệu cổ phiếu năm 2018… Bên cạnh đó là các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, thoái vốn nhà nước tại BSR, OIL, POW, GVR, IDC…
Sau giai đoạn hưng phấn, kể từ tháng 4/2018, thị trường chứng khoán diễn ra các đợt giảm điểm, kéo dài cho đến cuối năm 2019, đa số cổ phiếu phát hành thêm giảm giá mạnh. Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu này là giá thường tăng cao trước khi doanh nghiệp thực hiện chào bán và giá quay đầu giảm khi đợt phát hành kết thúc.
Từ tháng 4/2020 tới nay, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng và chỉ số chung tăng mạnh hơn sau mỗi đợt điều chỉnh.
Vì thế, đợt điều chỉnh trong tháng 8/2021 vừa qua, không ít nhà đầu tư tiếp tục thực hiện chiến lược bắt đáy ngắn hạn, bao gồm các cổ phiếu tăng vốn, với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ sớm tăng trở lại.
Tuy nhiên, sau khi tăng vốn, cổ phiếu thường thiếu động lực tăng giá, nhà đầu tư có thể phải chờ đợi lâu hơn, thậm chí nắm giữ dài hạn bất đắc dĩ, nếu đó không phải là cổ phiếu của doanh nghiệp tốt, triển vọng sáng.