Cổ phiếu tài chính, ngân hàng đồng loạt giảm

(ĐTCK) Kết quả kinh doan nghèo nàn của JP Morgan và Bank of America, cùng giá dầu thô lao dốc đã khiến nhóm cổ phiếu tài chính, năng lượng giảm mạnh, gây sức ép lên thị trường. Dù vậy, nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ, nên đà giảm của chứng khoán trong phiên cuối tháng chỉ ở mức khiêm tốn.

Phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu tài chính sau kết quả kinh doanh nghèo nàn của JP Morgan và Bank of America được công bố, trong đó doanh thu quý I/2017 của JP Margan giảm tới 15% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tiếp đà suy giảm do giá dầu thô lao dốc trong phiên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Tuy nhiên, đà giảm được hãm lại nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ lên ngôi sau khi công bố kết quả kinh doanh tích cực.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Dow Jones giảm 20,82 điểm (-0,10%), xuống 21.008,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,11 điểm (-0,05%), xuống 2.411,80 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm       4,67 điểm (-0,08%), xuống 6.198,52 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối cùng của tháng 5 và có những thời điểm lo lắng về khủng hoảng chính trị, nhưng phố Wall vẫn tiếp tục có tháng tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 và tháng tăng thứ 4 trong 5 tháng kể từ đầu năm.

Cụ thể, trong tháng 5, chỉ số Dow Jones tăng 0,33%, chỉ số S&P500 tăng 1,16% và chỉ số Nasdaq tăng 2,5%. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 5, Dow Jones tăng 6,31%, S&P 500 tăng 7,73%, trong khi Nasdaq tăng tới 15,15%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần sau cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, đảng Bảo thủ cầm quyền có thể mất 20 ghế trong 330 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới, trong khi đảng Lao động đối lập sẽ giành được 30 ghế.

Việc đồng bảng Anh thông thường có lợi cho chứng khoán thông qua cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, những lo ngại về bất ổn chính trị khiến chứng khoán Anh không thể đảo chiều thành công, mà tiếp tục duy trì đà giảm, dù biên độ giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Trong khi đó, sắc xanh lại trở lại với chứng khoán Đức và Pháp khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không thể diều hâu trong chính sách tiền tệ trong cuộc họp sắp tới khi lạm phát của khu vực đồng euro đang sụt giảm.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,56 điểm (-0,09%), xuống 7.519,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,38 điểm (+0,13%), lên 12.615,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,31 điểm (-0,42%), xuống 5.283,63 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng trong tháng 5, trong đó chỉ số FTSE 100 tăng tới 4,39% sau khi giảm 1,62% trong tháng 4, chỉ số DAX có tháng tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm với mức tăng 1,42% và chỉu số CAC 40 có tháng tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,31%.

Tính từ đầu năm, FTSE 100 tăng 5,28%, chỉ số DAX tăng 9,88% và CAC 40 tăng 8,67%.

Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà giảm nhẹ khi đồng yên vẫn duy trì đà tăng và cũng do ảnh hưởng từ giá dầu thô sụt giảm. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm khi giao dịch trở lại sau phiên nghỉ lễ, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng nhẹ khi chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này đứng ở mức 51,2 điểm trong tháng 5, không đổi so với tháng 4. Mức trên 50 cho thấy sản xuất có sự gia tăng.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 27,28 điểm (-0,14%), xuống 19.650,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,98 điểm (-0,16%), xuống 25.660,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải  tăng 7,12 điểm (+0,23%), lên 3.117,18 điểm.

Dù có những phiên giảm liên tiếp cuối tháng, nhưng với đà tăng tốt trước đó nhờ dữ liệu kinh tế ổn định và đồng yên giảm, chỉ số Nikkei 225 duy trì được tháng tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 2,36% trong tháng 5, trong khi với dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục, chứng khoán Hồng Kông tăng tới 4,25% trong tháng 5 và là tháng tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại có tháng giảm thứ 3 liên tiếp khi mất 1,19% trong tháng 5.

Tính từ đầu năm, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,81%, chỉ số Hang Seng tăng tới 16,64%, chỉ số Shanghai Composite dù có 3 tháng giảm liên tiếp, cũng tăng nhẹ 0,44%.

Trên thị trường vàng, sau khi điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Ba, giá vàng đã lấy lại đà tăng tốt trong phiên thứ Tư, đóng cửa ở mức cao nhất 4 tuần nhờ đồng USD giảm và lực cầu mua bắt đáy kỹ thuật.

Kết thúc phiên 31/5, giá vàng giao ngay tăng 5,8 USD (+0,46%), lên 1.268,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,9 USD (+0,78%), lên 1.272,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 8,2 USD/ounce (+0,65%), lên 1.273,9 USD/ounce.

Trong tháng 5, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,07%, nhưng là tháng tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm. Giá vàng tương lai cũng tăng nhẹ 0,2% trong tháng 5 và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai đều tăng hơn 10%.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô tiếp tục giảm với biên độ giảm mạnh hơn nhiều so với phiên trước đó và đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư do sản lượng khai thác của Lybia tăng, khiến sản lượng khai thác hàng tháng của OPEC tăng lần đầu tiên trong năm nay.

Dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ dự kiến sẽ công bố vào thứ Năm, chậm hơn 1 ngày so với thông thường do nghỉ ngày lễ tưởng niệm Liệt sỹ hôm thứ Hai. Theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 8,7 triệu thùng, xuống 513,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự đoán giảm 2,5 triệu thùng của giới phân tích.

Dù vậy, với thông tin sản lượng khai thác của OPEC tăng, giá dầu thô vẫn có phiên lao mạnh 3% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 31/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,34 USD/thùng (-2,70%), xuống 48,32 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,53 USD (-2,95%), xuống 50,31 USD/thùng.

Bất chấp có những phiên bùng nổ sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nước sản xuất lớn khác ngoài khối, giá dầu thô Brent vẫn có tháng giảm thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm khi mất thêm 2,75% trong tháng 5 và giảm tới 10,37% tính từ đầu năm. Giá dầu thô Mỹ cũng giảm 2,05% trong tháng 5 và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Tính từ đầu năm, giá dầu thô Mỹ cũng mất hơn 10% giá trị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục