Giao dịch thu hút nhà đầu tư trong phiên này xuất hiện ở một số cổ phiếu ngân hàng top sau, với trọng tâm là SHB, khi đã chính thức được thêm vào rổ VN30 vào kỳ cơ cấu tới vào đầu tháng 8 tới.
Cổ phiếu SHB phiên này đóng cửa tăng 3,3% lên 14.150 đồng, mức cao nhất trong hơn một năm, kể từ đầu tháng 5/2022, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,2 triệu đơn vị, với khối ngoại mua ròng hơn 1,2 triệu đơn vị.
Gần đây, cổ phiếu SHB có khá nhiều thông tin mới, như việc ngày 24/7 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:18.
Hay như nguồn tin từ Reuters vào đầu tháng 7 này cho thấy, Ngân hàng này đang đàm phán bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, với định giá khoảng 2-2,2 tỷ USD. Nguồn tin tiết lộ thỏa thuận trên dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Làn sóng chào bán vốn cổ phần ở ngân hàng Việt
Ngoài ra, cổ phiếu này cũng được thêm vào rổ VN30 trong kỳ tháng 7/2023, có hiệu lực từ 7/8/2023 – 02/02/2024.
SHB chính thức được lựa chọn vào rổ chỉ số VN30
Về diễn biến thị trường, nhà đầu tư vẫn giao dịch thận trọng trong phiên chiều và diễn biến chỉ số VN-Index không khác nhiều so với phiên sáng khi chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và kết phiên xanh nhạt nhờ một số cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ.
Đóng cửa, sàn HOSE có 188 mã giảm và 272 mã giảm, VN-Index tăng 0,96 điểm (+0,08%), lên 1.174,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 837,1 triệu đơn vị, giá trị 16.798 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81,7 triệu đơn vị, giá trị 1.944,8 tỷ đồng.
Các trụ đỡ chính phiên này đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng TPB, VPB, STB, TCB và BID trong rổ VN30, khi đều là những mã tăng tốt nhất nhóm bluechip này, với TPB vươn lên dẫn đầu +3,8% lên 18.950 đồng, VPB +2,4% lên 20.950 đồng, còn lại nhích nhẹ từ 1,1% đến 1,6%.
Trong đó, VPB phiên này khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường với hơn 37,3 triệu đơn vị, TPB khớp 24,8 triệu đơn vị...
Các sắc xanh khác chỉ còn tại VNM, CTG, VIB, GAS, POW và tăng nhẹ 0,1% đến 1,1%. Ở chiều ngược lại, NVL -2% xuống 15.050 đồng, các mã VJC, PLX, VRE, MWG và PDR giảm từ 1% đến 1,3%.
Thanh khoản NVL có hơn 28,4 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI và HPG khớp hơn 12,4 triệu đơn vị và giảm nhẹ.
Tại các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài cổ phiếu riêng lẻ được nhà đầu tư mua mạnh và tăng kịch trần như POM, HDC, IMP, VRC, GMC.
Đáng kể khác là APG khi cũng đóng cửa ở giá trần +6,9% lên 8.480 đồng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2022, khớp lệnh phiên này gần 4,3 triệu đơn vị, cao nhất trong kể từ giữa tháng 12/2022.
Các mã tăng khá khác cũng không tập trung ở nhóm ngành nào cụ thể, với TV2 +5,6% lên 35.000 đồng, TNA +5,3% lên 6.500 đồng, VNS +4,7% lên 25.400 đồng, CKG +4,6% lên 24.800 đồng, KPF +3,8% lên 8.430 đồng, BIC +3,6% lên 28.950 đồng, NLG +3,6% lên 37.800 đồng, QCG +3,4% lên 9.420 đồng, BWE +2,9% lên 46.300 đồng, các mã DXS, HTN, DHG, BMC, BCE, SGR, DCM, DBT, CNG tăng từ 2% đến 2,7%.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu nới đà giảm, nhưng biên độ cũng không quá lớn, ngoại trừ một số có thanh khoản khá như EVG -3,4% xuống 6.470 đồng, khớp 3,16 triệu đơn vị, DRH -3,1% xuống 7.130 đồng, khớp 5,95 triệu đơn vị, SMC -3,1% xuống 14.200 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn và các mã lớn đa phần giảm cũng đã khiến HNX-Index nới đà giảm, nhưng đã trở lại tham chiếu ở những phút cuối nhờ một số mã lớn hãm đà giảm.
Đóng cửa, sàn HNX có 85 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 0,01 điểm lên 230,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,8 triệu đơn vị, giá trị 1.474 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,62 triệu đơn vị, giá trị 128 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu lớn tích cực nhất là PVI +3,8% lên 51.800 đồng và NVB +3,6% lên 14.500 đồng.
Tăng điểm khác đáng kể có IVS khi giữ vững sắc tím +9,5% lên 11.500 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị, IDJ +5,4% lên 5.900 đồng, khớp 5,28 triệu đơn vị.
Sắc đỏ bao phủ SHS, CEO, MBS, LIG, PVS, HUT, TIG, BCC…trong đó, SHS -2,4% xuống 20.400 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 14,7 triệu đơn vị, theo ngay sau là CEO khi có 12,9 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm nhẹ 1,4% xuống 14.500 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm thêm đôi chút trong phiên chiều nhưng cũng đã hồi phục lên trên tham chiếu ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,25%), lên 87,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,9 triệu đơn vị, giá trị 641,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,83 triệu đơn vị, giá trị 18,6 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh, với nhóm thanh khoản tốt nhất khi sắc xanh có tại G36, OIL, AAS, ABB, PXS, với G36 và PXS nhích trên dưới 4,5%, còn lại tăng nhẹ. Trong khi đó, C4G, SBS, BBT, DDV, QNS, TCI, FPT giảm điểm nhẹ, còn BSR VHG, BOT, NED, VGI đứng giá tham chiếu, với BSR vẫn là mã khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 5,18 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2307 sẽ đáo hạn trong thứ Năm tới đã tăng nhẹ 3,2 điểm, tương đương +0,28% lên 1.165 điểm, khớp lệnh có hơn 143.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, hai mã CVNM2212 và CFPT2210 khớp lệnh cao nhất với 2,09 triệu và 1,36 triệu đơn vị, nhưng cả hai đều giảm. Trong đó, CVNM2212 mất 4,3% xuống 220 đồng/cq và CFPT2210 giảm 5,5% xuống 520 đồng/cq.