
Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến đợt IPO của Sabeco, theo ông, đợt đấu giá này có tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Sabeco nói riêng và lĩnh vực bia - rượu - nước giải khát Việt Nam nói chung?
Theo quyết định của Sở GDCK TP. HCM, ngày 28/1/2008 Sabeco sẽ tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với tỷ lệ 20% vốn điều lệ, trong đó tổng số lượng cổ phần các nhà đầu tư nước ngoài được phép mua bằng số lượng cổ phần chào bán.
Hiện nay, Sabeco là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bia - rượu - nước giải khát Việt
Ông có thể cho biết chiến lược kinh doanh của Sabeco sau cổ phần hoá ?
Theo chiến lược phát triển ngành đã được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt, sau cổ phần hoá chúng tôi sẽ xây dựng Sabeco thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, trong đó lấy kinh doanh bia - rượu - nước giải khát là lĩnh vực kinh doanh chủ lực. Để thực hiện mục tiêu này, Sabeco đã nỗ lực mở rộng thị phần thông qua việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bia tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hoàn thiện hệ thống quản lý, đồng thời thực hiện việc củng cố và phát triển hệ thống phụ trợ như: cung ứng vật tư, kiểm soát quy trình công nghệ, bổ sung năng lực vận chuyển song song với việc phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc…
Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm của Sabeco hiện có mặt tại 24 quốc gia ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện tại các thị trường này, đồng thời phát triển mở rộng đến các thị trường tiềm năng khác.
Thưa ông, nhà đầu tư đang rất quan tâm việc lựa chọn đối tác chiến lược của Sabeco. Tuy nhiên, trong đợt IPO này không thấy Sabeco đề cập đến việc chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược?
Các nhà đầu tư Sabeco đã tiếp xúc cho mục đích lựa chọn đối tác chiến lược gồm có: Tập đoàn Bia Budweiser của Mỹ, Tập đoàn Bia Inbev của Bỉ, Tập đoàn Heneiken của Hà Lan, Tập đoàn Bia - Rượu - Nước giải khát Ashahi của Nhật Bản và Tập đoàn Thaibev của Thái Lan. Tuy nhiên, tiến trình lựa chọn đối tác chiến lược của Sabeco chưa có kết quả cuối cùng vì các đối tác nước nước ngoài đưa ra một số yêu cầu chưa có lợi cho Sabeco, trong khi đề nghị của chúng tôi lại chưa được phía đối tác chấp thuận một cách thoả đáng.
Tổ chức hoạt động của Sabeco sau khi cổ phần sẽ như thế nào, thưa ông?
Sau khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, Sabeco sẽ hoàn thiện bộ máy tổ chức quản trị, thu hút nhiều hơn nữa lao động có trình độ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển, tập trung cho công tác đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, đặc biệt là xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm và các chức năng phụ trợ khác, xứng tầm với các tập đoàn cùng ngành. Để tăng tính minh bạch, công khai các hoạt động kinh doanh và hội nhập với môi trường kinh doanh mới, chúng tôi sẽ thực hiện việc niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM trong năm 2008.
Là tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, ông nhận định như thế nào trong vấn đề quản lý và sở hữu thương thương hiệu của Sabeco?
Từ khi thành lập Tổng công ty đến nay, Sabeco luôn khẳng định thương hiệu "Bia Sài Gòn", "Bia 333" thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty. Các công ty thành viên không sở hữu thương hiệu "Bia Sài Gòn", "Bia 333". Việc sản xuất bia mang thương hiệu "Bia Sài Gòn" tại các đơn vị thành viên thực hiện thông qua hợp đồng hợp tác sản xuất, đồng thời phải chịu sự quản lý, chi phối chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển, thương hiệu… của Sabeco. Ngành rượu, nước giải khát, cơ khí và các ngành nghề kinh doanh khác được công ty mẹ kiểm soát thông qua chiến lược kinh doanh, định hướng và người đại diện phần vốn góp của Sabeco.
Một vấn đề nữa chúng tôi muốn khẳng định, trong thời gian tới Sabeco sẽ tiếp tục khai thác và phát triển các nhãn hiệu bia khác mà các công ty con, công ty liên kết đang sở hữu nhằm tăng thị phần và sức cạnh tranh, tính linh hoạt và chủ động của các công ty thành viên.