Theo chuỗi giá trị ngành, giá khí đầu vào là nguyên liệu chủ yếu để các nhà máy phân bón sản xuất. Chính vì vậy, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này, nhất là khi giá khí đầu vào đã áp dụng theo cơ chế thị trường.
Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) - CTCP và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) là 2 đơn vị có nguyên liệu trực tiếp là khí đầu vào.
Tại DPM, giá vốn hàng bán năm 2019 chiếm 81,75% doanh thu, chủ yếu là khí đầu vào. Tỷ lệ này tại DCM còn cao hơn khi chiếm 86,43%.
Từ năm 2014, DPM đã không còn được hưởng giá mua khí ưu đãi, mà được tính bằng 46% giá dầu FO bình quân hàng tháng tại thị trường Singapore và chi phí vận chuyển khí. Còn DCM không được ưu đãi giá khí từ năm 2019, mà theo cơ chế giá thị trường.
Do đó, kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào diễn biến của giá dầu nói chung và giá khí lấy cơ sở tính dựa trên giá dầu.
Hiện tại, giá khí đầu vào chiếm hơn 75% giá vốn của doanh nghiệp. Như vậy, việc giá dầu giảm mạnh sẽ giúp chi phí vốn giảm đáng kể.
Với CTCP Phân bón Bình Ðiền (BFC), giá nguyên liệu chiếm hơn 80% doanh thu, với đầu vào là các loại phân đơn như Ure, SA, DAP, Kali… và một số chất phụ gia khác, trong đó 90% mua trong nước và nhập khẩu 10%.
Khi giá nguyên liệu đầu vào rẻ sẽ giúp BFC giảm giá vốn, nhưng việc hưởng lợi gián tiếp thường có độ trễ và phụ thuộc vào chính sách nhà cung cấp.
Những năm gần đây, nhóm cổ phiếu phân bón có kết quả kinh doanh không mấy nổi bật, thậm chí đi xuống do chí phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ngày một tăng.
Bên cạnh đó, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện không chịu thuế cũng là một bất lợi.
Cụ thể, toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, nên doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh khiến giá phân bón tăng hơn 5%. Ðiều này làm giảm cạnh tranh so với giá phân bón nhập khẩu.
Một thách thức khác là việc tiêu thụ sản phẩm. Biến đổi khí hậu đang khiến hạn hán kéo dài, tình trạng xâm nhập mặn ở Ðồng bằng sông Cửu Long ngày một trầm trọng, dẫn tới đất canh tác của nông dân bị thu hẹp cả về diện tích và thời gian canh tác. Ðiều này làm tổng cầu các loại phân bón giảm, tác động tới đầu ra của doanh nghiệp.
Dẫu vậy, tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp phân bón sở hữu lượng tiền mặt khá hấp dẫn.
Cụ thể, DCM có 2.473 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 24,3% tổng tài sản. Con số này tại DPM và BFC lần lượt là 3.733 tỷ đồng và 422 tỷ đồng, chiếm tương ứng 33,6% và 12,6% tổng tài sản.
Mặt khác, đặc điểm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón khi thực hiện xây dựng nhà máy giai đoạn đầu thường sử dụng nhiều đòn bẩy nợ vay để tài trợ và khi bắt đầu vận hành cũng là lúc trả dần nợ vay.
Hiện tại, đa phần doanh nghiệp phân bón đã đi qua điểm hòa vốn và tích lũy được lượng tiền mặt đủ lớn, thậm chí DPM và DCM đã hết nợ vay ròng. Bởi vậy, khi kết quả kinh doanh khởi sắc sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cổ tức, cải thiện sức hút của cổ phiếu.