Sau giai đoạn thị trường liên tục tăng điểm kéo dài, các cổ phiếu bắt đầu bước vào vùng giá cao so với những năm trước, cũng như xuất hiện nhiều tín hiệu cảnh báo. Trong nhóm VN30, tính tới ngày 8/12/2020, có tới 20 mã cho tín hiệu đảo chiều, quá mua, chiếm 67% tổng số lượng cổ phiếu trong nhóm.
Tuy nhiên, giới đầu tư trong nước vẫn không quá quan tâm về mặt bằng giá cổ phiếu, mà vẫn thực hiện giải ngân trên diện rộng. Nhiều cổ phiếu tiếp tục hút dòng tiền và tăng giá như nhóm chứng khoán, ngân hàng tư nhân, vật liệu xây dựng, thuỷ sản, dệt may…
Trong đó, những cổ phiếu trụ dẫn sóng đầu tiên đã có dấu hiệu bước vào giai đoạn điều chỉnh và đang giảm điểm trước các cổ phiếu thế vai khác.
Cụ thể, cổ phiếu MSN (của Tập đoàn Masan), sau giai đoạn từ 1/10 - 10/11 tăng mạnh từ vùng 55.000 đồng/cổ phiếu lên 95.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu, tức tăng 73% sau đó thì bắt đầu điều chỉnh và hiện tại giá đóng cửa ngày 8/12 là 85.500 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh việc giá cổ phiếu điều chỉnh, các tín hiệu kỹ thuật cũng có dấu hiệu đảo chiều và giảm điểm trong thời gian gần đây như RSI và các đường MACD đều bắt đầu hướng đi xuống.
Tại cổ phiếu MWG (của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động), kể từ ngày 29/7 tới 8/12, thị giá bật tăng mạnh từ vùng 72.000 đồng/cổ phiếu lên 114.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng 59%.
Trong đó, phân kỳ âm của cổ phiếu bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 10 tới nay, tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn tăng. Đặc biệt hơn, trong giai đoạn cổ phiếu tăng nóng, hàng loạt lãnh đạo và người thân đăng ký bán ra cổ phiếu.
Cụ thể, ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ đã bán ra hơn 3 triệu cổ phiếu ngày 11/11; ông Đặng Minh Lượm bán ra 100.000 cổ phiếu ngày 2/12.
Mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, vợ ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG đã đăng ký bán ra 500.000 cổ phiếu từ 9/12 – 31/12.
Cổ phiếu REE (của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh) kể từ đầu tháng 7 tới ngày 8/12 đã tăng giá tới 50%. Tuy nhiên, trong hơn 1 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu này đã bắt đầu phát các tín hiệu kỹ thuật RSI quá mua kéo dài và đang có dấu hiệu giảm điểm trở lại.
Ngoài ra, còn có các cổ phiếu trụ khác có dấu hiệu chững giá như nhóm VIC, VNM, VCB… Điều này cho thấy, nhóm cổ phiếu trụ, nhóm dẫn sóng sau giai đoạn tăng mạnh có dấu hiệu điều chỉnh, trong khi đó những cổ phiếu thế vai, cổ phiếu chưa tăng và tăng sau thị trường lại có dấu hiệu bứt phá trong những tuần trở lại đây.
Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân trong những tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng điểm mạnh về vùng giá mua (RSI> 70), các tín hiệu MACD trên vùng 0 và có dấu hiệu chuẩn bị đảo chiều.
Cụ thể, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân gần đây có dấu hiệu bùng nổ là TCB (Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam), HDB (Ngân hàng Phát triển TP.HCM), TPB (Ngân hàng Tiên Phong), VPB (Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng), STB (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín)…
Các cổ phiếu thoái vốn nóng lên sau khi chứng kiến các thương vụ thoái vốn thành công như Bộ Xây dựng bán 36% vốn tại Tổng công ty IDICO (IDC); Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái thành công 51% vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (mã AFX)…
Giới đầu tư bắt đầu tiếp tục kỳ vọng các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn sẽ có thể thoái vốn thành công như các trường hợp của Bộ Y tế thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN); SCIC thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI); SCIC thoái vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam (VNP)…
Mặc dù mỗi doanh nghiệp sẽ có một tình hình tài chính và khả năng thoái vốn khác nhau, tuy nhiên, dòng tiền vẫn chảy mạnh theo thông tin thoái vốn của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dòng tiền trên sàn cũng có dấu hiệu tiếp tục gia tăng vào các cổ phiếu có các câu chuyện riêng kỳ vọng có sự thay đổi từ biến động cơ cấu cổ đông. Chẳng hạn, câu chuyện xuất hiện các cổ đông lớn bên ngoài tại Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC), Công ty cổ phần Long Hậu (LHG) đã giúp thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng nóng.
Hay tin đồn liên quan tới cổ đông lớn thoái vốn tại Sacombank với giá cao đã giúp cổ phiếu STB hút dòng tiền và đà bứt phá mạnh trong những tháng trở lại đây.
Ngoài ra, các cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng, dầu khí (nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp) cũng khởi sắc nhờ kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục và doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng đó.
Tuy nhiên, đà tăng của nhiều cổ phiếu là nhờ dòng tiền dễ dãi trên thị trường, thay vì những căn cứ thực tế.
Thông thường, tâm lý nhà đầu trên sàn chứng khoán mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Nếu như giai đoạn thị trường mới bước vào sóng tăng, nhà đầu tư có xu hướng thận trọng, chỉ chọn giải ngân vào các doanh nghiệp cơ bản, định giá thấp và hưởng lợi thực sự từ điều kiện thị trường.
Tuy nhiên, sau giai đoạn thị trường bắt đầu tăng và kiếm được lợi nhuận, tâm lý nhà đầu tư sẽ dễ dãi hơn và độ tự tin tăng lên nhờ lợi nhuận kiếm được, chỉ cần cổ phiếu có câu chuyện, có kỳ vọng và có dòng tiền là có thể xem xét giải ngân.
Chính vì vậy, giai đoạn thị trường hiện tại sau khi có lợi nhuận từ đà tăng mạnh trước đó, cũng như chưa trải qua một giai đoạn giảm điểm nào quá lớn, tâm lý nhà đầu tư đang khá hưng phấn và tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng và giải ngân.
Điều này thể hiện các cổ phiếu ở vùng quá mua kéo dài, tín hiệu điều chỉnh nhưng vẫn thu hút được dòng tiền và sự chú ý của giới đầu tư.
Thông thường, tín hiệu quá mua sẽ tiếp tục kéo dài, đây là giai đoạn nhà đầu tư phớt lờ đi các thông tin xấu, cũng như sự hưng phấn với đà tăng thị trường.
Nhưng một ngày nào đó, khi có một chất xúc tác đủ lớn thì tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng chuyển từ hưng phấn sang bi quan và lại bắt đầu phản ứng với thông tin xấu như trước đó chưa phản ứng.
Trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu để chốt lời nhưng thị trường đang phớt lờ đi các thông tin này, dù nó có thể gây một áp lực không nhỏ đối với thị trường trong thời gian sắp tới.