Cổ phiếu Nước giải khát Chương Dương (SCD) sắp rời sàn do lỗ 3 năm liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 17 năm niêm yết, cổ phiếu CTCP Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán SCD) sắp phải chia tay sàn HOSE do thua lỗ ba năm 2021, 2022, 2023 và lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ.
Sá xị Chương Dương bắt đầu về tay tỷ phú Thái Lan từ năm 2019 Sá xị Chương Dương bắt đầu về tay tỷ phú Thái Lan từ năm 2019

Rời sàn sau 17 năm

Sở Giao Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có văn bản về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Nước giải khát Chương Dương (Sá xị Chương Dương – mã SCD).

Trước đó, ngày 1/2/2024, HOSE nhận được công bố thông tin Báo cáo kiểm toán 2023 của Sá xị Chương Dương cho biết, Công ty báo lỗ sau thuế 119,25 tỷ đồng năm 2023, lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 là 200,95 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11,73 tỷ đồng.

Như vậy, cổ phiếu SCD của Sá xị Chương Dương rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155 ngày 31/12/2020: "Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra trong một số trường hợp: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Cũng vì lý do thua lỗ liên tiếp, mã SCD hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát từ tháng 8/2023. Trên thị trường, thị giá SCD đang chạm đáy 11 năm, ở vùng giá 13.650 đồng/CP (ngày 2/4/2024). Thống kê 10 phiên giao dịch gần đây, thanh khoản trung bình chỉ đạt 360 cổ phiếu/phiên.

Sá xị Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc tập đoàn BGI của Pháp. Năm 2004, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần và đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào cuối tháng 12/2006.

Công ty này từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với các sản phẩm được khẳng định trên thị trường như sá xị, soda, rượu nhẹ có gas. Trong đó, sản phẩm sá xị khẳng định vị thế độc tôn trên thị trường nước giải khát hương sá xị, với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng.

Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng nước giải khát nước ngoài với chiến lược marketing hiệu quả, mạng lưới phân phối rộng, nước ngọt con cọp của Sá xị Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần. Đặc biệt, từ năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến sức tiêu dùng giảm sút, tình hình của SCD càng bết bát.

Kết quả kinh doanh năm 2023 cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, Công ty lỗ ròng 119,25 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thua lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.

Thị giá cổ phiếu SCD 1 năm trở lại đây (Ảnh: FireAnt)

Thị giá cổ phiếu SCD 1 năm trở lại đây (Ảnh: FireAnt)

Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh nói trên, ban lãnh đạo Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến, chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao; chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Ngày 22/4 tới đây, Sá xị Chương Dương sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại TP.HCM. Theo tài liệu họp đã công bố, Công ty đặt mục tiêu năm 2024 sẽ lỗ tiếp 73 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến cuối năm dự kiến ở mức 275 tỷ đồng.

Kể từ khi niêm yết đến nay, ngoài 3 năm gần đây lỗ liên tiếp, Công ty chỉ một lần lỗ nhẹ gần 3 tỷ đồng vào năm 2017, còn lại đều báo lãi từ hơn 20 tỷ đồng đến gần 40 tỷ đồng mỗi năm.

Kế hoạch "làm sống lại một thương hiệu lâu đời" chưa thành công của tỷ phú Thái Lan

Sá xị Chương Dương là công ty con phụ trách sản xuất nước giải khát của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã SAB). Vốn điều lệ của công ty sau nhiều năm vẫn chỉ ở mức 85 tỷ đồng, trong đó Sabeco nắm 62,06% cổ phần.

Từ tháng 12/2017, Thai Beverage - tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại 53,59% vốn Sabeco và trở thành chủ mới của "ông lớn" đồ uống phía Nam này. Do có 62% cổ phần thuộc sở hữu của Sabeco nên Sá xị Chương Dương cũng hiển nhiên về tay tỷ phú Thái.

Thời điểm thay đổi chủ sở hữu, Sá xị Chương Dương lần đầu tiên báo lỗ gần 3 tỷ đồng (năm 2017) sau 11 năm niêm yết, doanh thu thuần cả năm chỉ đạt 77,5% kế hoạch, tương ứng đạt 327,2 tỷ đồng và cổ phiếu SCD bị vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2018.

Thời điểm này, Tổng giám đốc Sá xị Chương Dương gọi năm 2017 là năm “định hình lại sự phát triển”.

Bước sang quý I/2018, kết quả kinh doanh của Sá xị Chương Dương tiếp tục không khả quan khi lỗ 441,3 triệu đồng; tổng doanh thu giảm 24,53% so với cùng kỳ năm trước đó, tương ứng đạt 24,5 tỷ đồng.

Năm 2018, Thai Beverage bắt tay vào quá trình tái cơ cấu cả Sabeco lẫn Sá xị Chương Dương, bắt đầu bằng việc thuê nhà xưởng và xây dựng văn phòng giới thiệu và trưng bày sản phẩm mới, do nhận định những thiết bị đầu tư từ những thập kỷ trước không còn đáp ứng yêu cầu sản xuất khiến họ yếu thế trong cuộc cạnh tranh về giá sản phẩm. Tiếp đó là điều chỉnh chiến lược về đầu tư, sản phẩm cũng như hoạt động quảng bá.

“Làm sống lại một thương hiệu lâu đời” được ghi nhận là điểm nổi bật trong năm 2019 của Sá xị Chương Dương, năm đầu tiên mà mọi hoạt động điều hành do các lãnh đạo thuộc tập đoàn Thái Lan của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thực hiện.

Tính đến cuối năm 2019, Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nắm 61,9% vốn tại Sá xị Chương Dương. Theo sau đó là PYN Elite Fund nắm 5,64%, Công ty cổ phần Đầu tư mạo hiểm nắm 2,65% vốn.

Trả lời báo chí khi chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Sá xị Chương Dương, đại diện Thai Beverage từng đánh giá thời điểm đó, kênh phân phối các sản phẩm do Chương Dương sản xuất đều hạn chế, cả kênh hiện đại lẫn chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.

“Hạn chế đó là cơ hội để chúng tôi phát triển”, vị đại diện nói.

Kết quả kinh doanh của SCD năm 2019 bước đầu cho thấy việc thay đổi hệ thống phân phối mang lại hiệu quả khi ghi nhận doanh thu hơn 278 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 296 tỷ đồng năm 2018; nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 16,5 tỷ đồng, trong khi năm 2018 chỉ đạt 5,8 tỷ đồng.

Nhưng đến năm 2020, doanh thu bất ngờ tụt xuống 175,7 tỷ đồng; kéo theo lãi sau thuế chỉ còn 3,4 tỷ đồng; đánh dấu năm cuối cùng có lãi trước khi rơi vào chu kỳ thua lỗ đến mức bị hủy niêm yết.

Hai năm 2021 và 2022, mặc dù vẫn có doanh thu 140,1 và 179,7 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế lại ghi nhận âm 35,5 và 48,6 tỷ đồng.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục