Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay

(ĐTCK) Mở cửa phiên đầu tuần, TTCK mất liền 31 điểm nhưng vẫn có không ít cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu nhỏ như HQC, ITA tiếp tục có những pha “đua trần”. Dòng tiền nóng tiếp tục đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận.
Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay

Thời “giật cục”

Phiên 11/6, ở ngưỡng VN-Index 900 điểm, VN-Index có động thái chốt lời mạnh, cùng pha với biến động của TTCK thế giới.

Trong phiên đầu tuần (15/6), chỉ số giảm hơn 31 điểm, đóng cửa tại 832,47 điểm. Việc chỉ số giảm gần 70 điểm trong 3 phiên với thanh khoản tăng vọt cho thấy, dòng tiền đầu tư đang trải qua các phiên phân phối.

Ðiểm đáng chú ý trong tuần này là hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6. Ðây có thể sẽ tạo điểm “giật cục”, tức là có biến động mạnh trên sàn.

Ngoài ra, thị trường có thể chịu thêm áp lực khi các thông tin đồn đoán về kết quả lợi nhuận quý II kém khả quan của nhiều doanh nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Với việc chỉ số đi lên liên tục trong 2 tháng rưỡi và gần như không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể, khả năng giảm mạnh đang lớn hơn những dự báo còn tăng.

Trong bức tranh TTCK toàn cầu, dấu hiệu bước vào chu kỳ giảm cũng đang ngày càng rõ nét, đồng nghĩa với rủi ro cho nhà đầu tư lướt sóng gia tăng đáng kể.

Tại Việt Nam, với 100.000 tài khoản mới gia nhập trong 3 tháng qua, dòng tiền mới chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước là lực đỡ chính cho đà tăng của chỉ số, nhất là khi tiền ngoại vẫn chủ yếu rút ròng. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có tính chất không bền và dễ thay đổi theo xu hướng của thị trường.

Ông Vũ Minh Ðức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, xét theo tính chất dòng tiền chủ yếu của các nhà đầu tư ngắn hạn, xu hướng tăng sẽ khó bền vững; khi thị trường đảo chiều, dòng tiền sẽ rút ra nhanh.

Tuy vậy, hiện tại, thanh khoản tốt cho thấy, dòng tiền đầu tư vẫn đang đổ vào chứng khoán, giằng co với lực bán chốt lời trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo.

Một số thống kê từ thị trường cho biết, nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm tỷ trọng trên 80% giao dịch hàng ngày, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tính chất đầu cơ cao có thể giúp khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao.

Ðánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận

Thanh khoản cao, nhưng dòng tiền nóng chủ yếu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu nhỏ (penny), giúp không ít mã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Theo đó, áp lực chốt lời duy trì ở mức cao qua từng phiên.

Khó có thể đo lường được mức độ “cuồng nhiệt” của dòng tiền nóng (hiện chưa có dấu hiệu rút ra) khi quan sát những tín hiệu nổi sóng ở một số cổ phiếu penny.

Thực tế cho thấy, để các cổ phiếu lớn tăng giá 100% hay 50% là rất khó khăn, trong khi các cổ phiếu nhỏ có khả năng tăng giá mạnh gấp 3, 4 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Nhưng ở chiều ngược lại, trong một số giai đoạn thị trường điều chỉnh, các cổ phiếu lớn có thể chỉ giảm giá 10 - 20%, còn nhóm cổ phiếu nhỏ có thể giảm 50 - 80%, thậm chí nhiều hơn.

Những cổ phiếu nhỏ tăng giá phi mã từ 60% đến hơn 100% như NHP, HQC, KSQ, ITA... gần đây bắt đầu có hướng giao dịch khác nhau.

Trong khi cổ phiếu TSC, HQC, FIT, DAH tiếp tục được chất lệnh mua, thậm chí đua giá trần, trong đó HQC dư mua giá trần (2.260 đồng/cổ phiếu) tới gần 13,7 triệu đơn vị trong phiên đầu tuần (15/6) thì NHP, KSQ quay sang giảm sàn, khiến không ít nhà đầu tư “xanh mắt mèo” như chính màu cổ phiếu trên bảng điện tử.

Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) bình quân của 700 doanh nghiệp vốn hóa nhỏ nhất (trên tổng số 1.500 doanh nghiệp cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) hiện nay dưới 10 lần, thấp hơn đáng kể so với mức P/E xấp xỉ 16 lần của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, hay mức gần 18 lần của bình quân nhóm 50 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất 3 sàn.

Dù mức P/E có thể hấp dẫn, song rủi ro khi đầu tư ở nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa tương đối lớn, do tính cạnh tranh của khối doanh nghiệp này hạn chế và mức độ minh bạch thông tin không được đánh giá cao.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả đầu tư, một số cổ phiếu vừa và nhỏ lúc này có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với đầu tư vào các mã bluechip. Việc các cổ phiếu đầu cơ tăng giá mạnh cũng phù hợp với nhận định sự tăng trưởng của thị trường được dẫn dắt bởi các dòng vốn ngắn hạn.

Theo ông Robert Shiller, người đạt giải Nobel kinh tế 2014 khi thực hiện các nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Mỹ, các cổ phiếu vừa và nhỏ có xu hướng “outperform” (tăng mạnh hơn bình quân thị trường) so với các cổ phiếu lớn trong một số giai đoạn. Nhưng nếu lựa chọn sai mã cổ phiếu, nhà đầu tư phải trả giá rất lớn.

Theo ông Vũ Minh Ðức, lựa chọn đầu tư vào phân khúc này, nhà đầu tư cần ý thức được lợi nhuận kỳ vọng cao sẽ đi kèm với mức độ rủi ro cao.

Chẳng hạn, cổ phiếu NHP và KSQ sau nhiều phiên tăng giá trần đã quay đầu giảm sàn: NHP giảm 14,3% trong phiên 15/6; KSQ giảm 25% sau 3 phiên.

Tất nhiên, không ngoại trừ khả năng sẽ có những cổ phiếu trong nhóm vốn hóa trung bình (midcap) và penny duy trì đà tăng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ từ câu chuyện riêng của doanh nghiệp.

Nhưng nói về cơ hội đầu tư tại đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm này ở giai đoạn hiện tại, rủi ro thua lỗ nhiều hơn lợi nhuận thu được.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, đa số cổ phiếu midcap và penny đã có mức tăng đột biến về giá chỉ trong thời gian ngắn.

Ðiều này sẽ tạo ra áp lực chốt lời lớn, khiến các cổ phiếu xuất hiện những phiên sụt giảm mạnh khi thị trường chung có dấu hiệu suy yếu và đảo chiều giảm điểm tại các vùng kháng cự. Nói cách khác, nguy cơ bỏng tay là rõ ràng.

Ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí cho biết, những cổ phiếu nhỏ hay cổ phiếu thị giá thấp thường có diễn biến giao dịch tích cực mỗi khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh điều chỉnh hoặc đỉnh ngắn hạn.

Nhưng khi thị trường điều chỉnh mạnh thì các cổ phiếu nhỏ khó tăng giá và sớm điều chỉnh, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ như doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

“Nên hạn chế giao dịch ở các cổ phiếu này hoặc ngừng giao dịch, đứng ngoài quan sát, chứ không nên kỳ vọng và đặt cược với các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao”, ông Khánh khuyến nghị.

Sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro luôn là lựa chọn ưa thích của những nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, trong quá khứ đã có không ít nhà đầu tư trải qua giai đoạn mất tất, thậm chí mắc nợ lớn cũng bởi không kịp bẻ lái cuộc đua với các mã nóng trên thị trường.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục