Cổ phiếu ngành nào sẽ có sức bật tốt?

(ĐTCK) Các ngành có sức bật tốt sau khủng hoảng có thể là tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, bất động sản, viễn thông.
Cổ phiếu ngành nào sẽ có sức bật tốt?

TTCK năm 2012 đã khép lại với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, ứng với sự thăng trầm của thị trường. Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2013 này?

Sự tương đồng với TTCK Thái Lan

Càng gần cuối năm 2012, các đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam tập hợp càng đầy đủ các dấu hiệu tương tự nền kinh tế Thái Lan trước khi xảy ra khủng hoảng năm 1997. Có 5 đặc điểm tương đồng giữa kinh tế Thái Lan năm 1997 và kinh tế Việt Nam hiện nay: 1) kinh tế Việt Nam tăng trưởng “nóng” từ 2002 - 2007 với mức tăng bình quân gần 8%/năm, Thái Lan có một thập kỷ tăng trưởng ở mức gần 10%/năm trong giai đoạn 1986 - 1996; 2) sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân khi làn sóng đầu tư/đầu cơ mạnh vào lĩnh vực chứng khoán (dịch vụ tài chính) và bất động sản, khiến 2 quả bóng ngày càng phình to và có nguy cơ mất kiểm soát; 3) nợ công/GDP tăng cao; 4) tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, đe doạ tính an toàn của hệ thống tài chính; 5) duy trì tỷ giá cố định.

TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế quốc gia, chính vì vậy, kinh tế quốc gia khó khăn, các doanh nghiệp khó khăn thì TTCK cũng không thể khởi sắc. Kinh nghiệm từ TTCK Thái Lan, khi nền kinh tế chống chọi với khủng hoảng, hồi phục thì TTCK cũng hồi phục. Tuy nhiên, không phải ngành nào, cổ phiếu nào cũng hồi phục với mức tương đương của thị trường.

Xét giai đoạn 1998 - 2004, TTCK Thái Lan tăng đạt đỉnh đầu tiên vào 1 năm sau khủng hoảng (cuối 1999), sau đó giảm dần và tăng trở lại, đạt đỉnh tiếp theo vào cuối 2003. Trong 2 năm sau khủng hoảng kinh tế, 5 nhóm ngành chính dẫn dắt tăng trưởng thị trường là: bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, ngân hàng và viễn thông, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng thấp hơn thị trường. Bất động sản có mức tăng vọt đầu tiên, nhưng có mức đỉnh thấp nhất (xấp xỉ 400%), sau đó giảm dần và luôn nằm trong nhóm tăng trưởng thấp nhất so với thị trường, thậm chí đến tận năm 2012 vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn thị trường. Các ngành còn lại sau khi tăng vọt thì đều chậm lại và chỉ nằm trong nhóm tăng trưởng xấp xỉ thị trường.

Xét giai đoạn 1998 - 2008 (xem đồ thị), các ngành tăng trưởng vượt trội so với thị trường đều là ngành mũi nhọn của Thái Lan hoặc phát triển vượt trội của kinh tế thế giới trong giai đoạn này. Ngành tăng trưởng mạnh nhất và tiếp tục cho tới hiện tại là chăm sóc sức khoẻ, phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành này trên thế giới. Vật liệu xây dựng là ngành duy nhất giữ được đà tăng trưởng từ giai đoạn phục hồi đầu tiên, nhưng không phải ngành tăng mạnh nhất.

 Cổ phiếu ngành nào sẽ có sức bật tốt? ảnh 1

Các ngành nào của Việt Nam sẽ hồi phục mạnh?

Nếu coi quy luật sinh trưởng là một quy luật kinh tế, điều tương tự cũng có thể xảy ra tại Việt Nam trên cả phương diện kinh tế vĩ mô và phản ứng của TTCK.

Căn cứ trên những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong các vấn đề trọng yếu như đưa lạm phát về mức dưới 8%, lãi suất giảm, nợ xấu đang được giải quyết..., thì trong năm 2013, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ dần hồi phục và tương ứng với nó, TTCK sẽ có những phản ứng tích cực. Rất có thể 5 ngành bao gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, tài chính ngân hàng và viễn thông sẽ là những ngành có sức bật tốt nhất và tốt hơn nhiều so với mức tăng trưởng, hồi phục chung của thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, sau năm 2013 thì 5 ngành này có thể không duy trì được tốc độ hồi phục ở mức tốt nhất thị trường, tương tự như những gì đã diễn ra trên TTCK Thái Lan, có chăng chỉ còn ngành vật liệu xây dựng duy trì được “phong độ”.

Trịnh Xuân Sơn - CTCK MBS
Trịnh Xuân Sơn - CTCK MBS

Tin cùng chuyên mục