Cổ phiếu ngành dược nhạy cảm với thị trường

Mặc dù rất ít bị tụt dốc trong những thời điểm thị trường suy thoái, nhưng cổ phiếu ngành dược vẫn dễ ăn theo xu thế “nước lên, thuyền lên” khi thị trường khởi sắc.
Sản xuất thuốc tại Công ty Dược Hậu Giang Sản xuất thuốc tại Công ty Dược Hậu Giang

Từ giữa tháng 12/2012 đến nay, giá cổ phiếu DMC của CTCP Dược phẩm Domesco đã tăng từ 27.000 đồng/cổ phiếu lên trên 29.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu tháng 11/2012 đến thời điểm này, DMC đã tăng giá từ khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu lên trên 29.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức tăng 20%. Giá cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang cũng tăng từ khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12/2012 lên 72.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, giá cổ phiếu DCL của CTCP Dược phẩm Cửu Long từ tháng 11/2012 đến nay cũng tăng từ hơn 7.000 đồng/cổ phiếu lên 11.000 đồng/cổ phiếu. Từ đầu tháng 12/2012 đến nay, giá cổ phiếu DBT của CTCP Dược phẩm Bến Tre đã tăng từ khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 18.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu OPC của CTCP Dược phẩm OPC cũng tăng giá từ 34.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 12 lên gần 40.000 đồng/cổ phiếu…

Nhìn vào biến động giá cổ phiếu của các công ty dược trong thời gian qua, có thể thấy, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu dược không đều nhau. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận từ việc nắm giữ cổ phiếu dược trong những thời điểm thị trường bùng nổ không cao bằng nắm giữ cổ phiếu có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản…

Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu ngành dược trong vòng 1 tháng qua cũng đã đem lại mức lợi nhuận khoảng 15% cho nhà đầu tư, vẫn là mức lợi nhuận trong mơ, nếu xét về hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, việc nắm giữ cổ phiếu dược khá an toàn, hoàn toàn có thể chuyển sang đầu tư dài hạn, nếu thị trường chứng khoán có những diễn biến xấu.

Thực tế cho thấy, trong những thời điểm thị trường trầm lắng, cổ phiếu các công ty dược thường được các nhà đầu tư tìm đến như một công cụ “trú ẩn” an toàn, do tính chất của nhóm ngành này khá đặc thù, ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Cụ thể, tới hết tháng 11, DMC đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2012 (hơn 90 tỷ đồng); DPC đạt lợi nhuận sau thuế quý IV/2012 là 19,12 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước…

Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, dư địa về thị trường cho các doanh nghiệp dược vẫn còn khá lớn. Theo ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, thuốc sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng được về số lượng, đảm bảo về chất lượng và giá thành hợp lý. Hiệp hội đang đẩy mạnh vận động người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam , nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc Việt Nam trên chính thị trường Việt Nam .

Bộ Y tế cho biết, năng lực sản xuất thuốc trong nước hiện đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chữa bệnh. Thuốc sản xuất trong nước hiện cũng được xuất khẩu sang một số thị trường như Bangladesh , Pakistan , Lào, Campuchia , Singapore … Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tỷ lệ tiền sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến Trung ương chỉ đạt 11,9%, tuyến tỉnh 33,9%, tuyến huyện 61,5% trong tổng số tiền thuốc điều trị.

Đưa ra giải pháp để tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp dược, ông Tống Viết Phải, Tổng giám đốc Công ty Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng, cho rằng, nên có sự chuyên môn hóa trong sản xuất và phân phối thuốc. Theo đó, các công ty sản xuất trong nước nên dành quyền phân phối sản phẩm của mình cho các công ty chuyên kinh doanh phân phối. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên

Chí Tín (baodautu.vn)
Chí Tín (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục