Nửa đầu năm tăng trưởng tốt
GDP Việt Nam ước tính tăng 7,7% trong quý II/2022 và tăng 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, tiêu dùng phục hồi, ghi nhận tăng trưởng 6,1% và tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ 9,1% cùng với thặng dư thương mại là hai động lực chính.
Các chuyên gia cho rằng, tiêu dùng hồi phục nhờ vào nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường mới, chính sách thúc đẩy du lịch, thu nhập người lao động cải thiện khi lực lượng lao động trở lại thị trường.
Ghi nhận từ nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài, họ quan tâm đến ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ của Việt Nam trong những năm qua và hiện nay vẫn vậy. Dân số đông và thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng là yếu tố cơ bản để ngành này phát triển.
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 11, ông Đoàn Hồng Việt, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cho biết, nửa đầu năm 2022, Digiworld đạt doanh thu 11.810 tỷ đồng, tăng 28% và lãi sau thuế 351 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm, Công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu đề ra. Thông thường, kết quả đạt được nửa đầu năm chiếm dưới 40% kế hoạch cả năm nên Digiworld tự tin sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022 là doanh thu 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng.
Bán lẻ là một trong những ngành được các chuyên gia đánh giá cao về triển vọng nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng |
Riêng quý II/2022, nhu cầu thị trường sụt giảm nhưng Digiworld vẫn đạt doanh thu trên 4.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 140 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân nhu cầu giảm đến từ đặc thù sản phẩm phân phối của doanh nghiệp, cụ thể là ngành hàng laptop sau khi bùng nổ nhu cầu năm 2021 và đầu năm 2022 đã dịu xuống trong quý II vừa qua. Chưa kể, do mở cửa du lịch trong quý II, người dân tập trung vào các dịch vụ giải trí nhiều hơn so với mua sắm sản phẩm điện tử.
Ông Việt kỳ vọng, tiêu thụ laptop sẽ tăng trở lại trong quý III khi mùa tựu trường đang đến gần. Bên cạnh đó, ngành hàng chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhanh (FMCG) dự kiến tăng trưởng tốt.
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), nói về dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2022 với ngành bán lẻ thì Digiworld là đại diện hàng đầu trong ngành đang có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, những ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2022 như hàng tiêu dùng (thủy sản, F&B), dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ), công nghệ thông tin, tiện ích (điện, nước), nguyên vật liệu (hóa chất), công nghiệp (logistics) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Mặc dù xu hướng tích cực về giá của những cổ phiếu thuộc các ngành trên có thể tiếp diễn cho tới khi những con số về lợi nhuận quý II/2022 được công bố, nhưng VDS cũng nhận thấy áp lực chốt lời ngắn hạn tăng lên đáng kể.
Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với các mã đã có đà tăng giá mạnh mà không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, hoặc các cổ phiếu có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình trong quá khứ.
Nửa cuối năm dự kiến vẫn khả quan
Lạm phát tăng có thể tác động tới sức cầu trên thị trường tiêu dùng, bán lẻ nội địa, trong khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu suy giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, ông Việt tin rằng, nhu cầu tiêu dùng nội địa giai đoạn cuối năm nay sẽ tốt hơn khi so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái bị giãn cách, người dân không có điều kiện đi mua sắm. Kinh tế vĩ mô dần tốt hơn với mức tăng trưởng GDP cao và việc làm quay trở lại, giúp thu nhập của người dân cao hơn.
Lãnh đạo Digiworld đánh giá, lạm phát ở Việt Nam hiện không cao, chỉ khoảng 2 - 3%, nên không ảnh hưởng nhiều đến sức cầu tiêu dùng trong nước, các ngành hàng mà Công ty đang kinh doanh không có sự thay đổi đáng kể. Đối với các ngành kinh doanh khác, lạm phát có tác động rõ nét hơn thì nhu cầu tiêu dùng sẽ ít đi.
Còn theo quan điểm ông Tâm, phân tích câu chuyện lạm phát cũng cần phân tích hành vi của người tiêu dùng. Khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến rổ hàng hoá của người tiêu dùng thì họ thường có xu hướng kiểm soát chi tiêu. Đầu tiên, ở cấp độ (level) 1 là săn hàng khuyến mãi nhiều hơn. Level 2 là xu hướng chuyển từ tiêu dùng hàng cao cấp và trung cấp sang hàng hoá vừa túi tiền. Level 3 là bắt đầu cắt giảm chi tiêu hàng hoá nếu giá tăng mạnh, nhưng sự cắt giảm này sẽ phụ thuộc vào mức độ thiết yếu của hàng hoá.
“Tôi rất đồng ý với anh Việt về câu chuyện sẽ có sự tăng trưởng ở nhóm ngành tiêu dùng và FMCG. Thông thường, chúng ta vẫn phải ưu tiên trước những nhóm ngành thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, FMCG, rồi đến nguyên liệu như xăng dầu, sau đó mới đến nhóm ngành ICT (công nghệ thông tin và truyền thông)”, ông Tâm nói.
Cổ phiếu ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ có diễn biến khả quan trong 2 - 3 năm tới nhờ triển vọng tích cực của ngành.
Tất nhiên, lạm phát sẽ gây nên những nhịp chững lại về mặt tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, nhưng kinh tế đang dần hồi phục sẽ bù đắp lại ảnh hưởng này.
“Cổ phiếu bán lẻ vẫn sẽ có những câu chuyện rất hay về mặt tăng trưởng dài hạn trong 2 - 3 năm tới”, ông Tâm nhìn nhận. Theo đó, nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023. Những nhà đầu tư dài hạn thường lấy phân tích cơ bản làm gốc. Vì vậy, nhà đầu tư phải biết cách phân tích doanh nghiệp cũng như phân tích thị trường, từ đó mua và nắm giữ với mục tiêu dài hạn.
Tồn kho không đáng lo
Ông Việt chia sẻ, do thiếu chip và Trung Quốc duy trì chính sách “không Covid” nên thời gian qua, Digiworld phải chờ đợi thời gian dài hơn so với bình thường để hàng nhập khẩu từ nước này về đến Việt Nam. Do đó, tồn kho của Công ty và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành hiện ở mức cao hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, Digiworld không có dự định chuyển trọng tâm tăng trưởng sang ngành khác. Công ty phát triển các ngành hàng mới nhưng không bỏ qua những ngành hàng cũ.
“Chúng tôi không chuyển trọng tâm ngành hàng này sang ngành hàng khác, mà chỉ là mở rộng hơn. Digiworld có kênh bán hàng, chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm những nhà cung cấp mới để tận dụng được những nhà cung cấp hiện hữu và tăng trưởng cùng các nhãn hàng mới”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, hiện nay, một số mặt hàng có tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhưng không xảy ra trên diện rộng. Về cơ bản, nguồn cung hàng hóa trên thế giới dồi dào, đầy đủ. Riêng những sản phẩm mới thì trong thời gian đầu dự kiến sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, tháng 9 tới, Apple ra mắt sản phẩm Iphone 14, trong quý đầu chắc chắn sẽ thiếu hàng, nhưng đây cũng là hiện tượng bình thường.