TVSI: Cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng, bất động sản có tiềm năng tăng trưởng nhất trong 6 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát và bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục có sự khởi sắc, cùng dòng tiền mạnh dự kiến vẫn tiếp tục ở lại với thị trường, CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, các nhóm ngành cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng, bất động sản, vận tải sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong 6 tháng cuối năm nay.
TVSI: Cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng, bất động sản có tiềm năng tăng trưởng nhất trong 6 tháng cuối năm

Kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhưng không đồng đều

Trong báo cáo mới nhất, Vụ Kinh tế và Xã hội (DESA) của Liên Hợp quốc dự báo, nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4%, nhưng bốn khu vực nền kinh tế lớn nhất sẽ có những bức tranh hồi phục khác nhau.

Trong đó, đầu tàu kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng khoảng 6,2% cho cả năm 2021, đối với Trung Quốc là 8,2%, Nhật Bản tăng 3,3% và khu vực Kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng 4,4%.

Mặc dù vậy, rủi ro lớn nhất đến đà hồi phục của các nền kinh tế trên và toàn cầu là các vấn đề nóng là việc nhu cầu nguyên vật liệu thô tăng nóng, đã đẩy giá những mặt hàng như thép, đồng, quặng sắt, nhôm, ngô, gỗ... tăng mạnh trong khoảng một năm qua.

Bên cạnh đó, niềm vui mở cửa lại nền kinh tế rộng hơn sau đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy cước vận tải biển và giá thuê Container tăng phi mã cũng là những thách thức cần chú ý.

Kinh tế trong nước: Kiểm soát lạm phát và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư

Trong 5 tháng đầu năm 2021, các chỉ số quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là CPI tăng 1,29%. So với dữ liệu quá khứ, mức tăng 1,29% này thấp hơn mức trung bình và cách xa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát 3% đề ra đầu năm.

Mặc dù tác động của lạm phát đã bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều chỉnh và cung cấp cung tiền vào thị trường.

Vốn đầu tư công trong 5 tháng đạt 133.400 tỷ đồng và mới đạt 28,7% so với kế hoạch năm. Với tình hình chậm giải ngân, TVSI nhận định, vốn đầu tư công sẽ được tích cực đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như Chính phủ đã đặt ra.

Đối với khu vực FDI, vốn đăng ký đạt 34,2 tỷ USD và tốc độ giải ngân tăng 6,7%, đạt 7,15 tỷ USD, với ngành điện và năng lượng được tập trung vốn nhiều nhất (nhà máy điện LNG Long An I và II được đầu tư tổng cộng 3,1 tỷ USD).

Với tình hình dịch bệnh đang căng thẳng tại một vài quốc gia lân cận, chúng tôi dự báo nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng cuối năm, khi Việt Nam vẫn đang là điểm đầu tư an toàn và hiệu quả.

Ba kịch bản cho VN-Index

Theo TVSI, trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 34,51% trong vòng 6 tháng đầu năm 2021 này, và đứng đầu về mức tăng so với các thị trường khác. Xếp tiếp theo trong danh sách là chỉ số đại diện cho các sàn chứng khoán Abu Dhabi, Austria, Jordan, Luxembourg.

Đà tăng của VN-Index đã phá vỡ phần lớn dự báo trước đó nhờ lượng tiền mạnh và dồi dào, giúp chỉ số liên tục phá đỉnh lịch sử. Nhưng tình trạng lỗi hệ thống giao dịch hiện nay trên HOSE đang là cản trở lớn cho chỉ số tiếp tục đi lên và phần nào làm xáo trộn tâm lý nhà đầu tư hiện tại. Do vậy, kỳ vọng hệ thống thông suốt trở lại sẽ là chìa khóa cho diễn biến tiếp theo của VN-Index.

Dự báo thị trường của TVSI dựa trên ba kịch bản đối với GDP trong nước, thấp nhất là tăng trưởng 5,5% và cao nhất là 7%, lạm phát từ 2% đến 4%, tương ứng mức điểm của VN-Index sẽ trong khoảng 1.250 đến 1.450 điểm với điều kiện thanh khoản trung bình từ 15.000 đến 35.000 tỷ đồng/phiên.

Kịch bản vĩ mô và VN-Index. Nguồn: TVSI.

Kịch bản vĩ mô và VN-Index. Nguồn: TVSI.

Mặc dù vậy, TVSI cũng lưu ý, một nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ là cần thiết khi mặt bằng giá đã tăng cao, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã vượt định giá cơ bản.

Tuy nhiên, về dài hạn, kênh đầu tư chứng khoán vẫn thu hút dòng tiền, khi mặt bằng lãi suất thấp duy trì và thị trường không có nhiều kênh đầu tư hiệu quả cao trong thời gian này.

Các nhóm ngành cổ phiếu dự báo sẽ có động lực tăng giá tốt nhất

Chiến lược giao dịch TVSI đề xuất trong 6 tháng cuối năm nay là mua tích lũy trong những nhịp điều chỉnh, ưu tiên giải ngân từng phần, thực hiện chặt chẽ quy tắc quản trị rủi ro (cắt lỗ nếu giảm dưới 5- 10% giá vốn).

Nhóm ngành kỳ vọng tăng tốc trở lại khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát là bán lẻ, với các cổ phiếu hàng đầu là MWG, FPT, VRE, PNJ và tiếp theo ngành dầu khí (GAS) khi nhu cầu vận chuyển hồi phục.

Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển và giá cước dự báo sẽ chưa thể hạ nhiệt nhanh sẽ hỗ trợ lớn nhóm vận tải và kho bãi như GMD, VTP.

Nhóm ngành hưởng lợi từ nới lỏng tín dụng và kích thích kinh tế là bất động sản với các cổ phiếu tiêu biểu VHM, NLG, DIG.

Quan trọng nhất, ngành mũi nhọn của nền kinh tế là ngân hàng với TCB, CTG, MBB là điểm đến cần quan tâm của dòng tiền.

Cùng với đó, nhóm ngành hưởng lợi từ tăng vốn đầu tư FDI là các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như PHR, LHG.

Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến những nhóm ngành có câu chuyện riêng như chứng khoán, xuất nhập khẩu (PTB), thủy hải sản, dệt may, nhóm doanh nghiệp dự kiến được thoái vốn trong danh mục ngành quan sát của những tháng cuối năm 2021.

Một số mã cổ phiếu dự báo tăng trưởng cụ thể từ TVSI:

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục