Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, không bất thường

(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục “nóng” bất chấp câu chuyện nợ xấu mới chỉ đang trong quá trình giải quyết. Sức hút dòng tiền của nhóm ngân hàng không nằm ở các câu chuyện cụ thể mà nằm ở vai trò “huyết mạch” nền kinh tế.
Cổ phiếu ngân hàng đang lấy được “vị thế vua” nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc

Thống kê trên thị trường từ đầu tháng 5 tới nay, cổ phiếu STB đã tăng 18,5%;  MBB tăng 18%; BIDV tăng 15%; CTG tăng 11,4%; EIB tăng gần 10%; ACB tăng 9,2%; VCB tăng 8%... Kỷ lục thuộc về NVB với mức tăng tới 80%, tất nhiên cổ phiếu này có yếu tố “đặc biệt” là thanh khoản rất thấp.

Trên sàn OTC, mức tăng các cổ phiếu ngân hàng còn ấn tượng hơn nhiều so với sàn niêm yết. VPBank, trở lại phong độ cách đây 10 năm khi có mức giá ấn tượng trên 40.000 đồng/CP, cao hơn cả ngân hàng vốn được coi là tốt nhất hiện tại kể cả về chất lượng tài sản và quy mô là Vietcombank (giá 38.350 đồng/CP ghi nhận ngày 12/6). Techcombank, LienVietPostBank… đều ghi nhận mức giá tăng khá lớn dù việc tìm mua không dễ.

Điểm đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu ngân hàng đó là thông tin chuyển nhượng của các cổ đông lớn. Với thị trường niêm yết, các thông tin này phải công khai, nhưng với ngân hàng chưa niêm yết, thông tin này nằm dưới dạng “đồn thổi” của dân môi giới khi lý giải về giá tăng kiểu “sếp A đang gom, sếp B nâng sở hữu….”

Tất nhiên, đó là các thông tin khó kiểm chứng. Tuy nhiên, với những thông tin công bố công khai có thể nhận thấy được điều này. Mới đây nhất tại LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng công bố đã mua 5,18 triệu cổ phiếu theo phương thức mua bán trực tiếp. Qua đó, nâng sở hữu lên hơn 5,32 triệu cổ phiếu; tương đương 0,824% vốn điều lệ LienVietPostBank.

Trên thị trường, những cú "sang tay" theo hình thức thỏa thuận được ghi nhận cũng rất lớn, không chỉ là một vài triệu mà tới 20 triệu cổ phần được chuyển nhượng tại Sacombank… Cổ đông lớn mua vào là một tín hiệu, dù không thật sự thuyết phục, nhưng cũng tạo thêm niềm tin nhất định với các cổ đông nhỏ lẻ.

Có những lý giải về sức nóng cổ phiếu ngân hàng. Trong một phân tích của mình, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong những phiên vừa qua bởi có dấu hiệu cho thấy vấn đề còn tồn tại đối với quá trình xử lý nợ xấu sẽ được cởi bỏ thông qua thị trường mua bán nợ thứ cấp và điều này đã giúp cải thiện tâm lý. Thông tin IPO các ngân hàng chưa niêm yết với mức định giá cao cũng khiến cho cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết được định giá lại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank phân tích thêm, cổ phiếu các ngân hàng tăng do quy định về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, theo đó, các ngân hàng sẽ niêm yết trên sàn trong năm 2017.

Nhưng điều quan trọng, ông Hưởng nhận định, do niềm tin của nhà đầu tư, thị trường vào thương hiệu cá nhân của người đứng đầu, đồng thời với đó là sức khỏe của doanh nghiệp và cơ chế của Nhà nước.

Cụ thể hơn, ông Hưởng cho biết, thị trường rất quan tâm đến Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Kỳ vọng Nghị quyết về nợ xấu sẽ được ra đời là đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu là thông tin hỗ trợ để cổ phiếu ngân hàng duy trì đà tăng.

“Nghị quyết về xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống sẽ giải phóng được nợ xấu tồn đọng, giảm bớt chi phí cho các ngân hàng dẫn đến lãi suất có khả năng giảm, ngân hàng cho vay ra nhiều hơn, nền kinh tế sẽ phát triển… Tôi cho rằng, hy vọng của thị trường là cơ sở khiến cổ phiếu tăng”, ông Hưởng nhấn mạnh.

“Huyết mạch” nền kinh tế

HSC cũng cho biết, cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại nhờ tâm lý lạc quan trước khả năng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể được điều chỉnh tăng (cho dù gần đây một cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang tập trung kiểm soát lạm phát) vì hiện áp lực lạm phát và tỷ giá đang thấp trong khi tăng trưởng GDP kém.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ những tháng đầu năm, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước.

Cụ thể, đến ngày 25/5/2017, tín dụng tăng 6,53% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 5%, cùng kỳ năm 2015 tăng 4,5%).

“Chính sách tiền tệ sẽ giữ vai trò mấu chốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay. Và có lẽ nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trước mắt là cách tốt nhất để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16% hiện nay lên có lẽ 18%, thậm chí 20%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Tín dụng phải tăng, đó là mệnh lệnh, và xét ở góc độ lợi nhuận, các ngân hàng có quyền kỳ vọng sẽ có mức lợi nhuận ấn tượng năm nay. Theo thống kê, thu nhập của các ngân hàng có tới hơn 80% từ tín dụng (thu nhập từ chênh lệch lãi vay – huy động), còn lại nguồn thu từ phí dịch vụ chiếm tỷ trọng.

Tất nhiên, với những ngân hàng đã “rũ nợ xấu” trong giai đoạn trước như Vietcombank, Techcombank… thì đây là cơ hội rất tốt để tạo nên sức bật cho năm 2016. Thậm chí, lãnh đạo của Vietcombank còn khẳng định, ngay từ đầu tháng 6 là mục tiêu lãi trên 9.000 tỷ đồng như kế hoạch năm nay là ở trong… tầm tay.

Còn những ngân hàng khác, có thể không có nền tảng thuận lợi để tạo sức bật về lợi nhuận, nhưng sự khởi sắc chắc chắn sẽ có và là tiền đề để bứt tốc cho các năm về sau.

Một nền kinh tế ổn định và đang có tiềm năng tăng trưởng cao trở lại nhờ hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, nỗ lực từ chính các doanh nghiệp sẽ là môi trường quan trọng để ngành ngân hàng tạo nên sức bật mới, nhờ vai trò huyết mạch, cung cấp vốn và dịch vụ tài chính cho nền kinh tế.

Điều này đã chứng minh trong lịch sử ngân hàng, khi nền kinh tế khởi sắc thì ngân hàng được lợi và cổ phiếu được gọi là “vua”, và ngược lại. Trong giai đoạn hiện tại, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, ít có sóng mạnh, nhưng đó là khoản đầu tư giá trị đáng giá nếu đặt niềm tin vào sức bật mới của nền kinh tế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục