Cổ phiếu ngân hàng đè nặng tâm lý giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (16/1), ảnh hưởng lớn từ cổ phiếu ngân hàng sau diễn biến trái chiều từ Goldman Sachs và Morgan Stanley khiến các nhà đầu tư thận trọng về sức khỏe của thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng đè nặng tâm lý giới đầu tư

Về kết quả kinh doanh quý IV, Goldman Sachs báo cáo lợi nhuận tăng 51%, nhờ tận dụng sự phục hồi của thị trường và giá cổ phiếu nhích 0,7%. Tuy nhiên, Morgan Stanley lại thông báo lợi nhuận giảm, trong khi doanh thu vượt kỳ vọng, giá cổ phiếu giảm hơn 4,1% trong phiên này.

"Morgan Stanley, Goldman Sachs có xu hướng phục vụ các khách hàng giàu có, có giá trị tài sản ròng cao và hai ông lớn ngân hàng này có dư nợ xấu ít hơn nhiều so với phần còn lại của ngành. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những tín hiệu khá tốt”, Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest cho biết.

Trước đó cổ phiếu của nhóm ngân hàng, tín dụng như Wells Fargo, Bank Of America, Citigroup và JPMorgan Chase đã giảm từ 1,6% đến 2,7% sau khi báo cáo lợi nhuận suy giảm vào thứ Sáu tuần trước.

Thêm vào sự thận trọng của thị trường, Thống đốc Fed Christopher Waller đã có phát biểu mới nói rằng, Fed không nên vội vàng cắt giảm lãi suất mặc dù ông tự tin hơn về việc lạm phát đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 2%.

Đáng chú ý khác trong phiên này là cổ phiếu hãng hàng không Spirit giảm 47% sau khi một thẩm phán liên bang chặn kế hoạch của JetBlue Airways về việc mua lại Spirit với giá trị chỉ 3,8 tỷ USD.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Dow Jones giảm 231,86 điểm (-0,62%), xuống 37.361,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,85 điểm (-0,37%), xuống 4.765,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 28,41 điểm (-0,19%), xuống 14.944,35 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi các nhà đầu tư kiềm chế đặt kỳ vọng cao hơn về việc cắt giảm lãi suất sớm sau những bình luận gần đây từ các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,24% xuống 473,06 điểm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp lục địa biến động khá mạnh khi các nhà hoạch định chính sách của ECB duy trì lập trường không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất, ngay cả khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự đảo ngược chính sách sớm và tích cực.

Các nhà giao dịch nhận thấy gần 24% khả năng ECB sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra vào tháng 3, giảm từ hơn 30% trong tuần trước đó.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi suất đã giảm 1,1%, trong khi tiện ích mất 1,2%. Nhóm ngân hàng kéo dài mức giảm sang phiên thứ hai liên tiếp, mất 1,1%.

Trong khi những người tham gia thị trường vẫn tập trung vào việc xác định thời điểm cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn, mùa báo cáo kết quả kinh doanh hiện đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu cũng đang được theo dõi để đánh giá tác động của lãi suất cao đối với thu nhập.

Thu nhập quý IV của các công ty STOXX 600 dự kiến sẽ giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ I/B/E/S.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát cho thấy kỳ vọng vào việc lãi suất giảm đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư Đức trong tháng 1, trong khi khi lạm phát của nước này tăng 3,8% trên cơ sở hàng năm vào tháng 12.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 36,57 điểm (-0,48%), xuống 7.558,34 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 50,54 điểm (-0,30%), xuống 16.571,68 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 13,68 điểm (-0,18%), xuống 7.390,80 điểm.

Giá dầu thô diễn biến trái chiều, khi chịu áp lực bởi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong một tháng nhưng được hỗ trợ bởi lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể tác động mạnh đến nguồn cung.

Kết thúc phiên 16/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,28 USD/thùng (-0,4%), xuống 72,4 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD/thùng (+0,2%), lên 78,29 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ