Cổ phiếu năng lượng tái tạo “hụt hơi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo có diễn biến giảm giá mạnh hơn thị trường.
Điện mặt trời, điện gió có tiềm năng phát triển mạnh trong dài hạn. Điện mặt trời, điện gió có tiềm năng phát triển mạnh trong dài hạn.

Hai yếu tố bất lợi

Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều cổ phiếu trong nhóm năng lượng tái tạo giảm giá, bao gồm BCG, TTA, GEG, REE, HDG, trong khi VN-Index hầu như không thay đổi điểm số.

Năng lượng tái tạo luôn được nhắc đến là xu hướng của tương lai, có triển vọng tích cực, nhưng vì sao giá cổ phiếu lại giảm và thanh khoản dần suy giảm?

Chuyên gia tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho rằng, có 2 yếu tố bất lợi mà nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang phải đối mặt.

Quy hoạch Điện VIII chưa được thông qua, khiến nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm triển khai.

Thứ nhất, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) chưa được thông qua, khiến nhiều dự án chậm triển khai vì phải chờ Quy hoạch.

“Chờ đợi Quy hoạch Điện VIII khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi, trong đó có những doanh nghiệp đã vay vốn lớn để phát triển dự án nhưng vẫn chưa được vận hành thương mại (COD). Trong cuộc đua dự án điện gió hưởng giá FIT trước ngày 1/11/2021 có 84 dự án về đích và 62 dự án chưa kịp tiến độ. Trong khi đó, việc đầu tư lớn, không phát điện thương mại được khiến các chủ đầu tư này gặp nhiều khó khăn”, vị chuyên gia nói.

Một số dự án khác cũng đang đắp chiếu do một số yếu tố bất lợi về thời tiết trong quá trình thử nghiệm để công nhận COD như Nhà máy điện mặt trời Cầu Đất (tổng đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng) do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư, Nhà máy điện mặt trời Tân Tấn Nhật - Đắk Glei (tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng) do Công ty Tân Tấn Nhật làm chủ đầu tư.

Hiện cơ chế phát triển điện gió và điện mặt trời đều đã hết hiệu lực (điện gió là 31/10/2021 và điện mặt trời là 31/12/2020). Các chủ đầu tư đều ngóng trông cơ chế mới, trong khi vốn đầu tư đổ vào các dự án tính đến nay rất lớn, áp lực chi phí tài chính gia tăng, trong bối cảnh dòng vốn ngày càng đắt do lãi suất tăng.

Thứ hai, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính. Trong đó, một số doanh nghiệp chịu áp lực đáo hạn trái phiếu.

Công ty cổ phần Trung Nam là doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu rất lớn nhằm phát triển mảng năng lượng mặt trời. Tổng huy động trái phiếu từ năm 2019 đến nay là gần 34.000 tỷ đồng, nên áp lực tài chính là không nhỏ. Đầu năm 2023, Trung Nam đã có thông báo về chậm trả lãi trái phiếu.

Một thành viên của Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) là BCG Energy vừa phải thông báo thay đổi thời gian thanh toán trái phiếu cho đối tác Hanwha Energy.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BCG Energy cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, Công ty đã thanh toán toàn bộ phần lãi phát sinh và 45 tỷ đồng phần gốc cho Hanwha

Energy. Khoản gốc còn lại là 70,75 tỷ đồng đã được BCG Energy cùng với Hanwha Energy thống nhất phương án thanh toán phù hợp với nhu cầu của hai bên.

Theo lãnh đạo BCG Energy, bản chất việc thay đổi thời gian thanh toán gốc lô trái phiếu với Hanwha Energy là căn cứ theo nhu cầu và lợi ích của BCG Energy và đối tác chiến lược sau khi hai bên đồng thuận không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Việc thiếu thông tin đầy đủ về thỏa thuận đã làm nảy sinh một số quan ngại không cần thiết về năng lực tài chính của BCG Energy.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023

Năm 2022, nhiều chủ đầu tư dự án than khó khi các nhà máy năng lượng tái tạo chịu tác động bởi hình thái thời tiết La Nina nên nguồn thủy điện liên tục phát đủ công suất, lượng gió cao dịp cuối năm cũng ảnh hưởng đến công suất và sản lượng của các nhà máy điện mặt trời. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các nhà máy điện mặt trời hiện nay là vào những giờ cao điểm, đặc biệt vào cuối tuần, ngày lễ, tết, cụm nhà máy điện mặt trời bị cắt giảm công suất phát, dẫn đến giảm sản lượng và doanh thu.

Năm 2023, Công ty cổ phần Cơ điện Gia Lai (GEG) được dự phóng doanh thu đạt 2.686 tỷ đồng, tăng 27,1%; lợi nhuận sau thuế 426 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm 2022. Năm ngoái, biên lợi nhuận ròng của GEG sụt giảm, nguyên nhân chính là chi phí lãi vay tăng cao. Đây cũng là kết quả của việc tăng các khoản vay để tài trợ cho các dự án mà Công ty đang triển khai.

GEG đang đẩy mạnh phát triển dự án điện gió VPL2 có tổng công suất 30 MW và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 dự kiến sắp đi vào hoạt động, có thể đóng góp 520 tỷ đồng doanh thu.

Với Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE), lợi nhuận năm 2023 được dự báo giảm 18% so với năm 2022, xuống 2.208 tỷ đồng, do mảng đóng góp lớn nhất là thủy điện có khả năng giảm mạnh khi hết pha thời tiết tốt. Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, lợi nhuận mảng điện của REE có thể giảm tới 27%, trong khi mảng nước và cho thuê văn phòng duy trì ổn định, còn mảng cơ điện lạnh tiếp tục ảm đạm.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), doanh nghiệp này xác định, năm 2023 sẽ tập trung vào mảng bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính, trong đó năng lượng tiếp tục là đầu kéo chính. Thực tế, năm vừa qua, mảng năng lượng đã bù đắp cho sự sụt giảm của bất động sản.

Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu mảng năng lượng tăng 69%, đạt 2.161 tỷ đồng, mang lại hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, chiếm gần 60% tổng lợi nhuận. HDG đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng.

Về rủi ro mà các doanh nghiệp năng lượng tái tạo có thể phải đối mặt trong năm nay, Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, có 3 rủi ro chính: thứ nhất, rủi ro về khả năng thanh toán phát sinh do đòn bẩy tài chính lớn (các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo đều gặp phải); thứ hai, rủi ro về chính sách nếu có những thay đổi bất lợi; thứ ba, rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Ngược lại, động lực tăng trưởng lớn nhất của nhóm này là Quy hoạch Điện VIII khi chính thức được thông qua sẽ tạo tiền đề cho chính sách giá năng lượng tái tạo. Đây là điều kiện quan trọng mở ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp. Năng lượng tái tạo của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, tâm điểm là điện mặt trời, điện gió, có khả năng sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhìn nhận, thủy điện đang ở cuối chu kỳ tăng khi pha La Nina có dấu hiệu đã kết thúc. Điện khí tiếp tục có triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2023 - 2024 (POW, NT2 có thể hưởng lợi từ yếu tố này).

Theo Bộ Công thương, Quy hoạch Điện VIII là căn cứ cho nhiều quy hoạch ngành khác có liên quan và cơ sở để triển khai các dự án điện trên phạm vi cả nước, đặc biệt khi còn nhiều dự án nguồn điện, lưới điện vẫn chưa được đưa vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh trước đó, dù đã những thay đổi nhất định về phụ tải. Do đó, bộ này kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Điện VIII để cập nhật, bổ sung kịp thời các dự án, đặc biệt là các dự án lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc.

Theo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030, 25 - 30% vào năm 2045.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục