Bảo Việt lên sàn
Tập đoàn Bảo Việt niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào ngày 25/6 với mã chứng khoán BVH, khối lượng 573 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu là 38.500 đồng/CP. Đây là mức giá tương đương với giá giao dịch trên thị trường OTC của cổ phiếu BVH. Năm 2008 là một năm rất khó khăn đối với khối bảo hiểm nói chung và với BVH nói riêng. BVH có lợi nhuận thuần từ hoạt động bảo hiểm âm 3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho giai đoạn tháng 10/2007 đến tháng 12/2008 là 529 tỷ đồng, tương đương EPS là 924 đồng và P/E là 42x.
Cho đến hết quý I/2009, BVH đạt 314 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 40,5% kế hoạch năm; đến hết tháng 5, lợi nhuận trước thuế là 842 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 tháng, BVH đã đạt 528 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng dự tính lợi nhuận năm nay của BVH là khá khó khăn do các khoản dự phòng lớn sẽ chỉ được hạch toán vào cuối năm (theo bản cáo bạch BVH). Với giả định là BVH đạt được lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm tương đương với 5 tháng đầu năm và mức thuế suất thực tế tương đương quý I/2009, thì dự tính lợi nhuận sau thuế có thể đạt 1.400 tỷ đồng trong năm 2009, tương đương với EPS 2.000 - 2.400 đồng và P/E là 16 - 19x.
Đánh giá BVH
Với giá trị sổ sách năm 2008 là 14.538 đồng/CP, BVH đang giao dịch ở mức P/B 2,65x và P/B dự tính 2009 là 2,0 - 2,2x. Mặc dù còn nhiều điều cần làm rõ về tăng trưởng đột biến lợi nhuận của BVH trong thời gian qua, nhưng việc cổ phiếu BVH lên sàn với P/E và P/B tương đối hợp lý, tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành (xem bảng) sẽ có tác dụng nâng đỡ nhất định đối với thị trường nói chung.
Một số chỉ tiêu tài chính của BVH
10/2007 - 12/2008
Kế hoạch 2009
Quý I/2009
5 tháng 2009
Thực hiện/Kế hoạch
Doanh thu
11.808
9.717
2.460
4.050
42%
Doanh thu Công ty mẹ
4.661
243
LNTT hợp nhất
502,7
775
314
842
108,6%
LNST hợp nhất
529,5
278
Xét về việc lên sàn của BVH đối với khối bảo hiểm, nếu BHV tăng giá sẽ làm cho cổ phiếu của BMI và PVI (2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu khác đang niêm yết) trở nên hấp dẫn hơn. Thực tế thì PVI và BMI cũng có những dấu hiệu rất tích cực trong tình hình kinh doanh bảo hiểm hai quý đầu năm. (Quý I, PVI đạt 68 tỷ đồng lợi nhuận ròng, BMI 36 tỷ đồng, VNR 47,5 tỷ đồng). Mặt khác, BVH là một tập đoàn trong đó lĩnh vực bảo hiểm tuy chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, nhưng có tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều trong cơ cấu lợi nhuận. Lợi nhuận suy giảm của BVH trong năm 2008 một phần do khoản lỗ từ hoạt động đầu tư tài chính của CTCK Bảo Việt và lợi nhuận vượt mức kế hoạch của BVH hiện nay có thể có phần đóng góp lớn từ sự đi lên của TTCK.
Việc định giá một tập đoàn như BHV là không đơn giản và thực tế, trong bản cáo bạch, công ty tư vấn không đưa ra một con số cụ thể về giá trị cổ phiếu BVH. Ngoài ra, doanh thu hợp nhất 5 tháng đầu năm của BVH chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 42% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận trước thuế đã đạt hơn 100% kế hoạch năm và sự bất cân xứng giữa tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận là một yếu tố mà nhà đầu tư cần xem xét. Nhà đầu tư cần có sự thận trọng nhất định đối với khả năng lợi nhuận của BVH trong 6 tháng tới khi TTCK hiện đang khá nóng, trong khi các khoản trích dự phòng bảo hiểm sẽ chỉ rõ ràng vào cuối năm.
Lợi nhuận quý II của khối ngân hàng
Ngân hàng là khối được hưởng lợi lớn từ chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và trung hạn của Chính phủ trong gói kích cầu. Cho đến tháng 5/2009 thì các ngân hàng đã báo cáo lợi nhuận ở mức tương đối khả quan (xem bảng).
Chỉ tiêu
|
Đơn vị
|
SHB
|
STB
|
ACB
|
Lợi nhuận trước thuế
|
Tỷ đồng
|
164
|
660
|
900
|
So với 3 tháng đầu năm
|
Lần
|
2,03
|
1,68
|
1,95
|
So với năm 2008
|
%
|
60,9%
|
59,5%
|
35,4%
|
So với kế hoạch 2009
|
%
|
48,8%
|
41,2%
|
33,3%
|
Xét về lợi nhuận năm 2009, ACB được sự hỗ trợ lớn từ các mảng kinh doanh của mình. ACB là ngân hàng có tốc độ giải ngân vốn lớn nhất, dư nợ tín dụng hiện đã tăng hơn 50% so với năm 2008, hoàn toàn có thể đạt kế hoạch tăng trưởng 90% trong năm 2009. ACB được sự hỗ trợ của mảng lợi nhuận từ trái phiếu năm 2008 (một phần lợi nhuận sẽ hạch toán trong năm 2009), mảng giao dịch vàng và ngoại tệ (lợi nhuận từ mảng này đạt 311 tỷ đồng trong quý I/2009) và sự đi lên của TTCK thông qua mảng kinh doanh của CTCK ACB và Quỹ ACB (cho tới hết quý I/2009, khi VN-Index ở mức 280 điểm, tổng giá vốn chứng khoán của ACB là 1.066 tỷ đồng và dự phòng là 365 tỷ đồng). Tuy vậy, tính đến hết tháng 5/2009 thì lợi nhuận trước thuế của ACB chỉ đạt 33% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với 2 ngân hàng nhỏ hơn đang niêm yết là SHB và STB do ACB chưa hợp nhất báo cáo với các công ty con.
Đánh giá:
Với việc hai ngân hàng Vietcombank và Vietinbank sẽ niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này, nhiều khả năng ACB sẽ công bố mức lợi nhuận ấn tượng cho 6 tháng đầu năm 2009 (dự đoán có thể lên tới 1.500 tỷ đồng) và chúng tôi dự tính lợi nhuận trước thuế của ACB trong năm nay có thể đạt hơn 3.000 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 2.700 tỷ đồng mà ACB đề ra vào đầu năm. Như vậy, cùng với việc giá cổ phiếu ACB đã giảm 25% trong đợt điều chỉnh vừa qua từ mức đỉnh vào đầu tháng 6, chúng tôi đưa ra khả năng:
- Lợi nhuận quý II công bố tương đối lớn sẽ giúp cổ phiếu ACB lên giá và trở về với mức giá trước đợt điều chỉnh.
- Cổ phiếu ACB lên giá góp phần thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với khối tài chính ngân hàng.
- Cổ phiếu ACB tăng giá góp phần đưa VN-Index và HAX-Index tăng sau khi đã điều chỉnh tương đối mạnh vừa qua.
Cả 3 khả năng trên sẽ có tác động tích cực đối với 2 cổ phiếu ngân hàng hàng đầu là Vietcombank và Vietinbank sẽ lên sàn trong thời gian tới. Vietcombank đã công bố lợi nhuận trước thuế (chưa hợp nhất) lũy kế là 2.489 tỷ đồng, gấp 2,76 lần lợi nhuận trước thuế của ACB. Việc ACB công bố lợi nhuận trước thuế một cách tích cực trong nửa đầu năm 2009 sẽ nâng kỳ vọng của nhà đầu tư đối với lợi nhuận trước thuế của Vietcombank và Vietinbank trong nửa đầu năm và qua đó giúp giá cổ phiếu có thể đi lên trong giai đoạn đầu niêm yết. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, các con số về nợ xấu cũng như trích lập dự phòng sẽ chỉ trở nên rõ ràng vào cuối năm, trong khi nhiều tổ chức quốc tế hiện vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình nợ xấu của khối ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó, ACB là một ngân hàng được đánh giá là quản lý tốt nhất Việt Nam và việc trích dự phòng khá kịp thời và đầy đủ. Nhà đầu tư cũng cần chú ý tới khả năng quản lý nợ xấu cũng như tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng khác trước khi đầu tư, thay vì chỉ dựa vào việc so sánh những con số cơ bản về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.