Nhu cầu cổ phiếu mạng gia tăng cộng với tầm ảnh hưởng ngày một lan xa của các nhà đầu tư châu Á đặc biệt là những tập đoàn Trung Quốc đã thổi bay luồng dư luận lo ngại về những chuẩn mực kinh tế vốn đã ăn sâu vào thị trường.
Dẫn đầu danh sách những cổ phiếu “vàng” sắp sửa lên ngôi năm nay là JD.com - trang web thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc với hơn 400.000 sản phẩm đa dạng từ điện thoại, máy tính, thiết bị gia dụng… được phân phối đi khắp 80 thành phố và vùng lãnh thổ như Đức, Pháp, Canada, Phần Lan…
Với mục tiêu huy động 1,5 tỷ USD trong lần ra quân sắp tới, JD.com chắc chắn sẽ làm lu mờ con số kỷ lục 1 tỷ USD của Shanda Games thiết lập vào năm 2009.
Cổng thông tin lớn nhất Trung Quốc Sina cũng đang nhăm nhe chào bán cổ phiếu của phần mềm ứng dụng Weibo microblog (một dạng ứng dụng tương tự như Twitter) ra công chúng lần đầu tiên (IPO) trên sàn New York vào đầu tháng 5 nhằm huy động khoảng 500 triệu USD.
Trong khi đó, website bán lẻ mỹ phẩm Jumei ấp ủ kế hoạch niêm lên sàn với tổng giá trị 600 triệu USD.
“Chúng tôi rất kỳ vọng vào năm nay. Hầu hết các bước đang trong quá trình hoàn thiện, và một loạt thông báo sắp sửa được công khai”, John Hall, Giám đốc lĩnh vực hoạt động ngân hàng TMT ở châu Á của JPMorgan nói.
Sở dĩ các tập đoàn lớn ở Trung Quốc mạnh tay gia nhập sàn chứng khoán Hoa Kỳ trong năm nay một phần vì nhu cầu tăng cao, phần nữa là nhờ vào kết quả tích cực từ những người đi trước. Cụ thể, số tiền huy động được từ những đợt IPO tại Mỹ vào năm ngoái đã gần chạm ngưỡng 1 tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2012. Trong đó, các công ty du lịch như Qunar hay Ctrip là những đơn vị thu về con số lợi nhuận khổng lồ với mức tăng trưởng 115% do hưởng lợi đáng kể từ làn sóng khách du lịch châu Á gia tăng mạnh mẽ.
Chưa kể, hòa vào xu hướng ngành công nghệ kỹ thuật toàn cầu phát triển mạnh, vốn là thế mạnh của các tập đoàn Trung Quốc đã khơi dậy niềm thích thú từ các nhà đầu tư. Đơn cử như cổ phiếu Tập đoàn Tencent, đơn vị sở hữu phần mềm nhắn tin trò chuyện miễn phí WeChat đã gia tăng gấp đôi giá trị trong vòng 12 tháng qua, nâng mức tổng vốn hóa thị trường chiếm hữu của Tencent lên đến 140 tỷ USD. Vipshop hay Baidu cũng đều biểu diễn mức tăng nhảy vọt với 350% và 90% trong năm qua.
Làn sóng ra quân dồn dập của các tập đoàn Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia tỏ vẻ lo ngại về khủng hoảng cổ phiếu giảm tương tự như những gì xảy ra vào năm 2011 do việc gian lận và sơ sài trong tính toán chi tiết. Dù sao đi nữa, xét ở góc độ kinh tế, những nhà đầu tư châu Á đang nắm vai trò quan trọng trong việc phục hồi thị trường Mỹ.