PEUGEOT CITROEN phải nhún trước đại gia ô tô Trung Quốc

(ĐTCK) Ngày 18/2/2014, PSA Peugeot Citroen, tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu của Pháp đã đạt được thoả thuận sơ bộ tay ba với Tập đoàn sản xuất ô tô Dongfeng (Trung Quốc) và Chính phủ Pháp về việc bổ sung vốn cho PSA Peugeot Citroen.
PEUGEOT CITROEN phải nhún trước đại gia ô tô Trung Quốc

Theo đó, Chính phủ Pháp và Dongfeng, mỗi bên cùng đầu tư 800 triệu euro (1,1 tỷ USD) để sở hữu 14% cổ phần của PSA Peugeot Citroen (gọi tắt là Peugeot). Dự kiến, sau khi được các cổ đông của Peugeot thông qua, thoả thuận chính thức sẽ được ký kết tại Paris (Pháp) vào tháng 3/2014, nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nay, thoả thuận trên được coi là có lợi về nhiều mặt cho cả 3 bên liên quan, trước hết là Peugeot. Nhiều nhà phân tích nhận định, với thoả thuận này, Peugeot đứng trước bước ngoặt quan trọng mới.

Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ liên tục (năm 2012, lỗ 5 tỷ USD; năm 2013 lỗ 2,32 tỷ USD), Peugeot rơi vào khủng hoảng và thiếu nguồn tài chính bổ sung. Tình hình càng trở nên xấu đi, sau khi General Motors Co. (GM), tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ 2 của Mỹ (cổ đông chiến lược nước ngoài có uy tín) đã bán đi 7% cổ phần của Peugeot trong tháng 12/2013. Vì thế, Ban lãnh đạo Peugeot đã đề ra mục tiêu phải sớm huy động được 3 tỷ euro để củng cố và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cho dù thoả thuận trên chỉ đem lại 1,6 tỷ euro, song Peugeot ít nhiều vẫn cảm thấy hài lòng. Nếu nói cho sòng phẳng, thì chỉ có dòng họ Peugeot sáng lập ra hãng này mới cảm thấy phần nào nuối tiếc, vì đã không còn là ông chủ đích thực nữa. Như vậy, châu Âu sẽ chỉ còn 2 gia đình nắm quyền sở hữu các thương hiệu xe nổi tiếng, đó là gia đình Agnelli (Italia) với Hãng xe FIAT và dòng họ Quandt (Đức) với thương hiệu BMW.

Với Dongfeng, thì đây là cơ hội để vươn ra thị trường châu Âu thông qua hệ thống phân phối của Peugeot, đồng thời cũng mở ra khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại của Peugeot. Dongfeng là tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ hai Trung Quốc, song thương hiệu này vẫn còn khá xa lạ với các thị trường quốc tế. Ngoài công ty liên doanh với Peugeot, Dongfeng còn có hợp đồng lắp ráp xe Nissan, Honda (Nhật Bản) và xuất xưởng xe ô tô mang chính thương hiệu Dongfeng.

Được thành lập năm 1969, Dongfeng (tiếng Trung Quốc có nghĩa gió đông) hiện chiếm 16% thị phần xe ô tô tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Dongfeng được kỳ vọng giúp thương hiệu Peugeot tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh. Lãnh đạo Dongfeng cho biết, thỏa thuận này sẽ “mở rộng và làm sâu sắc thêm sự hợp tác với Peugeot, đồng thời sẽ củng cố hợp tác quốc tế để đạt mục tiêu bán được 1,5 triệu chiếc xe thương hiệu Dongfeng, Peugeot và Citroën mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020”.

Đây cũng là thương vụ quốc tế lớn nhất của một hãng xe Trung Quốc kể từ năm 2010, khi Công ty Zhejiang Geely bỏ ra 1,8 tỷ USD mua lại Hãng ô tô Volvo của Thụy Điển.

Có lẽ cũng cần nói thêm ở đây rằng, cuối năm ngoái, Peugeot và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) của Việt Nam đã ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất và lắp ráp mẫu xe Peugeot 3008. Theo đó, xe Peugeot 3008 sẽ được Thaco sản xuất và lắp ráp tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) bắt đầu từ năm nay. Tức là thị trường Việt Nam đã nằm trong chiến lược phát triển, mở rộng thị trường của Peugeot.

Đối tác thứ 3 trong thoả thuận tay ba là Chính phủ Pháp cũng muốn đóng một vai trò điều tiết quan trọng trong quan hệ hợp tác Dongfeng và Peugeot. Chính phủ Pháp vừa muốn giúp Peugeot duy trì nhà máy tại Aulnay-sous-Bois ở ngoại ô Thủ đô Paris (mà Peugeot dự định sẽ đóng cửa), nhằm tạo công ăn, việc làm cho công nhân Pháp, lại vừa muốn có vai trò hạn chế ảnh hưởng của Dongfeng, không cho tập đoàn Trung Quốc này có thể thâu tóm toàn bộ Peugeot trong tương lai.

Bộ trưởng Công nghiệp Pháp, ông Arnaud Montebourg nhận định, thỏa thuận trên sẽ “chuẩn bị cho sự phục hưng của Peugeot và giúp họ vươn ra thế giới”.

Tuy nhiên, xét cho cùng, thoả thuận ba bên trên là có lợi nhất với Peugeot. Để khai thác có hiệu quả các khả năng mới do thoả thuận mang lại, vào cuối tháng 3 tới, Peugeot sẽ thay Giám đốc điều hành (CEO). Ông Carlos Tavares, 56 tuổi, nguyên là nhà quản lý cao cấp của Renault, hãng sản xuất ô tô lớn thứ 2 Pháp, đối thủ trực tiếp của Peugeot sẽ thay ông Philippe Varin, 62 tuổi, CEO đương nhiệm vào ngày 31/3/2014.

Có 32 năm làm việc liên tục cho Renault và Nissan, có nhiều kinh nghiệm trong ngành sản xuất ô tô, ông Carlos Tavares dự định sẽ điều chỉnh chiến lược, tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Với đối tác mới cùng nguồn tiền mới, cộng với CEO mới, Peugeot đang đứng trước vận hội phát triển mới.

Trung Hiếu
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục