Cổ phiếu “lên hương” nhờ thông tin M&A: Kỳ vọng dễ thành ảo vọng

(ĐTCK) Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí hoạt động yếu kém bỗng chốc tăng đột biến nhờ kỳ vọng doanh nghiệp được tái sinh sau M&A. Nhưng thực tế cho thấy kỳ vọng rất dễ trở thành ảo vọng.

Cổ phiếu “lên hương” nhờ thông tin M&A

Thời gian qua, các cổ phiếu có liên quan tới nhóm Louis như TGG (Công ty cổ phần Louis Capital), APG (Công ty cổ phần Chứng khoán APG), BII (Công ty cổ phần Louis Land), AGM (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Angimex), VKC (Công ty cổ phần Cáp – Nhựa Vĩnh Khánh), TDH (Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức)… trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường với biến động chóng mặt về giá và thanh khoản cả chiều lên và chiều xuống.

Đà tăng bắt đầu được “châm ngòi” từ cổ phiếu AGM. Cổ phiếu này đã có 11 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 4/5 - 19/5/2021, tức tăng 109% lên 31.400 đồng/cổ phiếu, khi có thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim thoái toàn bộ 51,85% vốn điều lệ và ông Đỗ Thành Nhân trở thành cổ đông lớn sở hữu 8,16%. Ngay sau đó, ông Nhân được hậu thuẫn bởi nhóm nhà đầu tư đã chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị AGM.

Trước khi có 11 phiên tăng trần liên tiếp thì với quy mô vốn hoá 273 tỷ đồng, thuộc nhóm smallcaps, cổ phiếu AGM ít thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Bước sang giai đoạn tháng 8/2021, thêm ba cổ phiếu có thông tin Quỹ Louis tham gia mua cổ phần tăng mạnh và xuất hiện nhiều phiên tăng trần.

Cụ thể, từ ngày 9/8, cổ phiếu TGG trải qua 29 phiên giao dịch đạt mức tăng 495,16%, lên 73.800 đồng/cổ phiếu; từ ngày 12/8, cổ phiếu APG trải qua 22 phiên giao dịch đạt mức tăng 166,51%, lên 28.600 đồng/cổ phiếu; từ ngày 18/8, cổ phiếu BII trải qua 19 phiên, tăng 189,72% lên 31.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tháng 9/2021, nhóm cổ phiếu “họ Louis” tiếp tục tạo thêm câu chuyện mua cổ phần nâng sở hữu 10,37% vốn tại VKC và 5,16% vốn tại TDH. Cụ thể, từ ngày 31/8, cổ phiếu VKC trải qua 15 phiên tăng liên tục, với mức tăng 273,33%, lên 28.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TDH trải qua 10 phiên tăng liên tục với mức tăng 92,95%, lên 15.050 đồng/cổ phiếu.

Đặc điểm chung của các cổ phiếu này là đều thuộc các doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động khó khăn, không có điểm gì nổi bật, hiệu quả kinh doanh tương đối thấp và có thị giá thấp, nhiều cổ phiếu nằm dưới mệnh giá.

Trong đó, tại TDH, năm 2020, Công ty bị truy thu thuế giá trị gia tăng và tiền chậm nộp lên tới 396,4 tỷ đồng.

Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế của cổ đông ty mẹ năm 2020 là âm 363,4 tỷ đồng, xoá hết lợi nhuận tích luỹ nhiều năm và lỗ luỹ kế lên tới 142,99 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2021, Công ty đã phải thực hiện giải pháp bán tài sản để có thể cải thiện dòng tiền, cải thiện lợi nhuận.

Cụ thể, TDH đã thanh lý các khoản đầu tư vào Công ty Song Hỷ Quốc Tế, Công ty Đầu tư khoáng sản VICO Quảng Trị… Nhờ khoản lãi thanh lý tài sản 206,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ TDH 6 tháng ghi nhận 173,7 tỷ đồng, xoá được lỗ luỹ kế, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới 30/6/2021 là 15,6 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lượng tiền mặt Công ty chỉ còn 116,1 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng tài sản. Trong khi đó, Công ty vẫn còn khoản mục phải nộp theo các quyết định của Cục thuế TP.HCM lên tới 439,9 tỷ đồng, so với đầu năm là 396,4 tỷ đồng. Nếu thực hiện nghĩa vụ này, lượng tiền mặt tại Công ty sẽ không đủ.

Còn tại VKC, nhiều năm nay, Công ty lãi không đáng kể, tỷ suất sinh lời trung bình trên tổng tài sản (ROA) từ năm 2018 tới giữa năm 2021 chỉ là 0,25%. Tổng nợ vay của Công ty tại thời điểm cuối tháng 6/2021 lên tới 323,8 tỷ đồng, bằng 134% tổng vốn chủ sở hữu.

Nợ vay lớn đã bào mòn lợi nhuận của Công ty trong nhiều năm, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối tới 30/6/2021 chỉ là 21,4 tỷ đồng.

Tương tự, tại AGM, ROA trung bình từ năm 2018 tới nay là 3,8%, thấp hơn doanh nghiệp cùng ngành như Lộc Trời (mã LTG) là 5,44%...

Tại BII, nhờ ghi lãi 35,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm đã xoá được lỗ luỹ kế, lợi nhuận chưa phân phối tới 30/6/2021 là 12,4 tỷ đồng.

Còn tại TGG, nhờ ghi lãi 42,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 mới xoá lỗ luỹ kế, lợi nhuận luỹ kế tới 30/6/2021 là 7,8 tỷ đồng.

Kỳ vọng dễ thành ảo vọng

Bỏ qua yếu tố ảnh hưởng của việc nhiều room đầu tư mà thành viên trong đó hô hào "ôm” các cổ phiếu họ Louis thì thông tin có cổ đông lớn mới tham gia doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp yếu kém thường giúp cổ phiếu của doanh nghiệp đó có sóng tăng. Bởi khi ấy, nhà đầu tư kỳ vọng, cổ đông mới sẽ bơm vốn mới, tái cấu trúc hoạt động, hồi sinh doanh nghiệp.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy, kỳ vọng cổ đông mới sớm đưa doanh nghiệp yếu kém quay trở lại tăng trưởng chỉ là ảo vọng.

Thực tế thì không ít doanh nghiệp sau khi về khi tay chủ mới đã thay đổi ngoạn mục và đem lại trái ngọt cho cổ đông, nhà đầu tư. Nhưng có rất nhiều ví dụ cho thấy, kỳ vọng cổ đông mới sớm đưa doanh nghiệp yếu kém quay trở lại tăng trưởng chỉ là ảo vọng. Khi bắt tay vào tái cấu trúc doanh nghiệp, mới có rất nhiều vấn đề phát sinh.

Chẳng hạn, sau hơn 1,5 năm tham gia tái cấu trúc Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG), đến tháng 7/2021, ông Trần Bá Dương và nhóm cổ đông liên quan của Thaco đã đồng loạt rút vốn.

Trong đó, ông Dương bán 11,3 triệu cổ phiếu, chiếm 4,96% vốn; Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trân Oanh bán 8,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,79% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phúc Thịnh, người liên quan Thaco bán ra 36,6 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 17,01% về còn 0,88% vốn điều lệ. Điều đó cho thấy, mặc dù Thaco sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, nhưng việc vực dậy một doanh nghiệp trong cơn bệnh trọng như HVG không phải chỉ "bơm" thêm tiền là có thể thực hiện được.

Hay với trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), năm 2016, do hoạt động quản trị của Ban lãnh đạo dẫn tới bốc hơi tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 1.271,1 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 1.417,6 tỷ đồng. Đến tháng 4/2017, ông Mai Hữu Tín tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.

Doanh nhân Mai Hữu Tín từng được mệnh danh là “ông trùm giải cứu doanh nghiệp”, hiện tại, ông Tín là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mai và cộng sự…

Nhưng thực tế, sau hơn 4 năm tái cấu trúc dưới bàn tay ông Tín, lỗ luỹ kế của TTF tại thời điểm 30/6/2021 đã lên tới 3.042,9 tỷ đồng, chiếm 97,8% vốn điều lệ của Công ty. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tiếp tục đưa cổ phiếu TTF vào diện kiểm soát, nhấn mạnh có khả năng huỷ niêm yết bắt buộc đối với TTF.

Có thể thấy, công việc tái cơ cấu tại các doanh nghiệp đang khó khăn không phải câu chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả quá trình. Ngay cả khi bên tham gia tái cấu trúc có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thì đây cũng không phải là chuyện đơn giản.

Trong khi đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm Louis liên tục mua cổ phần tại nhiều công ty và thể hiện tham vọng tại nhiều công ty cùng một lúc.

Ngay cả khi nhóm Louis có quyết tâm tái cấu trúc các doanh nghiệp này thì áp lực nguồn lực tài chính để đồng loạt cơ cấu nhiều doanh nghiệp một lúc là không nhỏ.

Việc TGG đăng ký bán ra toàn bộ 4,6% vốn sau 4 tháng nắm giữ đang khiến cho câu chuyện M&A doanh nghiệp trở nên thiếu thuyết phục. Kết quả tái cấu trúc có thành công với nhóm doanh nghiệp mà Louis tham gia sẽ cần thời gian để trả lời.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục