Trước hết là kịch hay ở Công ty cổ phần CMC (mã CVT) đã hạ màn. Khi hai nhóm cổ đông lớn, một có liên quan đến đại gia ngành nước và một là đại gia ngành vật liệu xây dựng đã hạ bài mua gom cổ phiếu, CVT lập tức mất phanh, lau sàn liên tục trong các phiên.
Một số nguồn tin trong cuộc còn dự đoán, thị giá cổ phiếu này sẽ rớt về mức trước khi cuộc đua gom cổ phiếu diễn ra, 27.000 - 28.000 đồng/cổ phần.
Một cổ phiếu nóng khác là DIG. Dồn dập các thông tin thoái vốn, đăng ký mua của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đã khiến cổ phiếu này trở thành tâm điểm quan tâm của giới đầu tư, vọt lên hơn 25.000 đồng/cổ phiếu.
Đúng như kịch bản các tay thạo tin săn được, trong phiên giữa tuần, Dragon Capital đã bán thỏa thuận gần 70 triệu cổ phiếu DIG. Tuy vậy, kịch bản M&A tại doanh nghiệp này vẫn còn những yếu tố thú vị ở phía trước.
Thẳng thắn mà nói, DIG có nhiều tài sản tốt, được hưởng lợi ngoài dự đoán từ những kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng của Nhà nước. Bởi thế, doanh nghiệp này đang trở thành con mồi ngon của không ít nhà đầu tư.
Nếu nhìn về mức giá 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu trước khi Bộ Xây dựng thoái vốn gần một năm trước, có lẽ không ai tin được thị giá của DIG hiện nay. Nhưng thị trường chứng khoán luôn vậy, là chuỗi kết quả của những dự đoán bất ngờ.
Nếu nhìn về mức giá 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu trước khi Bộ Xây dựng thoái vốn tại doanh nghiệp này gần một năm trước, có lẽ không ai tin được thị giá của DIG hiện nay.
Nhưng thị trường chứng khoán luôn vậy, là chuỗi kết quả của những dự đoán bất ngờ.
Trong lĩnh vực tài chính, giới bảo hiểm đang ngóng thông tin hai thương vụ lớn gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thoái xấp xỉ 36% vốn tại Công ty cổ phần PVI, nhưng những ồn ào gần đây liên quan đến việc HDI bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết luận có dấu hiệu che giấu giao dịch để tăng tỷ lệ sở hữu tại PVI trái luật lên 53,92% khiến thương vụ này chắc chắn bị ảnh hưởng.
Một nguồn tin nói rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang muốn thúc đẩy tiến trình thoái vốn này bởi tiến độ thoái vốn nhà nước tại PVI đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ngày 11/8/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1182/TTg- ĐMDN về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thực hiện thoái toàn bộ 35% vốn tại PVI trong năm 2018.
Cho đến thời điểm này, việc định giá và chọn giá khởi điểm cho lộ trình thoái vốn Nhà nước tại PVI đang được tiến hành. Mức giá nếu theo các quy định hiện hành sẽ không hề thấp, có thể lên tới 5x.
Dù vậy, với việc HDI sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 53,92% cổ phần PVI, đồng thời có 5/9 thành viên Hội đồng quản trị hiện nay, việc thoái vốn với giá cao hơn tới 50% thị giá PVI trên sàn sẽ không hề dễ dàng. Thế nên, giá cổ phiếu PVI hầu như không có biến động
Một thương vụ khác tưởng ngon ăn mà lại thành rắc rối. Đó là việc thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty Bảo Minh (mã BMI). Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Bảo Minh, SCIC sở hữu 50,7%; AXA sở hữu gần 17%.
Trong nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần đây, AXA đều ngỏ ý sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bảo Minh như một động thái mở rộng không gian kinh doanh tại Đông Nam Á.
Xét về kinh doanh, Bảo Minh là doanh nghiệp có lõi tốt. Tổng công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 với doanh thu phí bảo hiểm gộp đạt 3.480 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 158 tỷ đồng, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ.
Bảo Minh ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý III/2020 với mức tăng 50% so với cùng kỳ nhờ tỷ lệ bồi thường ở mức thấp.
Năm 2020, Bảo Minh đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.592 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt ở mức 10%.
Bảo Minh được đánh giá sẽ khó để hoàn thành mục tiêu đề ra do những động lực tăng trưởng phí bảo hiểm đã được phản ánh gần hết trong nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi giảm khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất và tỷ trọng tiền mặt cao hơn trong tổng đầu tư (tăng lên mức 7,2% từ mức 4,2% của cùng kỳ năm 2019) cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Tuy vậy, câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ tạo những động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu từ nay cho tới cuối năm. Thực tế, những phiên đầu tuần trước, thị giá BMI tăng mạnh, phiên thứ Ba thậm chí còn tăng sát trần.
Tuy nhiên, câu chuyện thoái vốn ở Bảo Minh không dễ. Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, các bộ, ngành có quan điểm trái chiều về việc nới room lên 100% ở Bảo Minh. Vì thế, vấn đề này vẫn trên bàn làm việc của các cơ quan chức năng.
Nếu không thể nới room ngoại lên 100% từ mức 49% vốn điều lệ, AXA hay bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.
Cũng có thông tin nói rằng, một nhóm nhà đầu tư nội đang tham gia cuộc đua mua chi phối tại Bảo Minh nên có động thái ngăn cản việc nới room tại doanh nghiệp.
Giới đầu tư đồn đoán, chỉ cần có thông tin nới room ngoại, cổ phiếu BMI sẽ bùng nổ về giá.
Tại một số kỳ đại hội cổ đông của Bảo Minh, đại diện các quỹ đầu tư liên tục chất vấn Ban lãnh đạo liên quan đến tốc độ tăng trưởng, kế hoạch mở room cho nhà đầu tư ngoại, kế hoạch thoái vốn của SCIC và kế hoạch của cổ đông chiến lược nước ngoài AXA mua thêm cổ phiếu BMI.
Thương vụ khả thi nhất là SCIC thoái hơn 63% vốn của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex, mã chứng khoán SEA - UPCoM). Tổng công ty này có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, hiện thị giá đạt trên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Seaprodex được giới đầu tư quan tâm bởi có quyền sử dụng đất gắn với những mảnh đất ở vị trí “kim cương” tại TP.HCM. Geleximco từng tham gia lớn vào tổng công ty này ngay khi cổ phần hóa, nhưng đã rút lui khi Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, công ty có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ – người được biết đến với biệt danh "Vũ nhôm" mua cổ phần của Seaprodex. Sau đó, công ty này cũng thoái vốn khỏi Seaprodex.
Dù chưa có thông tin chính thức về đợt thoái vốn nhưng đợt mua bán cổ phần của các nhà đầu tư lớn tại mã SEA đã diễn ra sôi động và phần lớn nhà đầu tư ôm lô lớn đều có lãi cao sau khi bán trao tay cổ phiếu sang nhà đầu tư khác.
Thị trường cho rằng, người mua cuối cùng sẽ là các đại gia tài chính, bất động sản nhằm thâu tóm các khu đất vàng để phát triển các dự án, chứ không phải các nhà đầu tư tài chính như trước đây.
Cũng bởi vậy, cổ phiếu SEA không phải là cuộc chơi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù rõ mười mươi bên mua, nhà đầu tư nhỏ cũng không dám vào hàng vì sợ bị kẹp, chôn vốn khi thanh khoản SEA thường ở mức rất thấp.