Cổ phiếu khó, đừng quên có thị trường phái sinh

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và chưa biết bao giờ là thời điểm kết thúc. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư có thể sử dụng hợp đồng tương lai chỉ số (HĐTL) để phòng ngừa rủi ro giảm giá cho danh mục đầu tư của mình. Ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
HNX gần đây tổ chức hội thảo giới thiệu về sản phẩm quyền chọn. Quyền chọn được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm phái sinh và mang lại nhiều sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư trên thị trường. HNX gần đây tổ chức hội thảo giới thiệu về sản phẩm quyền chọn. Quyền chọn được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm phái sinh và mang lại nhiều sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư trên thị trường.

TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid- 19. Trong bối cảnh này, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư trong việc sử dụng công cụ phái sinh như một cách để phòng vệ rủi ro?

Một trong những tính năng quan trọng của các sản phẩm chứng khoán phái sinh là được sử dụng để làm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT) trong các điều kiện thị trường tiềm ẩn rủi ro cao.

Với việc thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhà đầu tư có thể sử dụng hợp đồng tương lai chỉ số (HĐTL) để phòng ngừa rủi ro giảm giá cho danh mục đầu tư của mình.

Cách đơn giản nhất là nhà đầu tư thực hiện bán HĐTL để phòng ngừa rủi ro thị trường với một phần hoặc toàn bộ danh mục.

Nếu có thể duy trì bán một lượng hợp đồng tương lai tối ưu, lợi nhuận từ danh mục HĐTL của nhà đầu tư sẽ bù đắp được một phần (hoặc hoàn toàn) thua lỗ của danh mục cổ phiếu khi thị trường giảm giá.

Tuy nhiên, việc sử dụng HĐTL để phòng ngừa rủi ro đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn nhất định về sản phẩm này, cũng như các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến trạng thái phòng ngừa rủi ro của danh mục.

Một trong những khái niệm quan trọng trong việc sử dụng HĐTL để phòng ngừa rủi ro là beta - chỉ số đo mức độ tương quan giữa danh mục cổ phiếu và bộ chỉ số VN30 (vì HĐTL trên thị trường hiện tại dựa trên chỉ số này).

Ví dụ, danh mục cổ phiếu có beta bằng 1 có nghĩa là biến động của danh mục tương đương với chỉ số thị trường.

Do đó, theo lý thuyết, nếu nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro giảm 100% cho danh mục thì sẽ bán số HĐTL với tổng mệnh giá tương đương giá trị danh mục.

Tuy nhiên, do chỉ số beta này dựa trên dữ liệu lịch sử, nên trong những trường hợp thị trường biến động mạnh thì mức này hoàn toàn có thể thay đổi. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần nhận biết được đầy đủ rủi ro riêng lẻ đối với từng cổ phiếu trong danh mục của mình, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến các rủi ro như chênh lệch giữa giá HĐTL và chỉ số cơ sở cũng như sự tương quan trong dao động của chúng.

Ví dụ, nếu chênh lệch giá quá cao (ví dụ lên đến 10 điểm) và dao động không có sự tương quan, vị thế bán khống của nhà đầu tư sẽ không cho được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần để ý đến thời gian đáo hạn của HĐTL đưa lựa chọn thời gian phòng ngừa rủi ro phù hợp cho danh mục.

Trên thị trường, cũng còn một sản phẩm khác cũng có thể cung cấp khả năng quản trị rủi ro cho nhà đầu tư, đó là chứng quyền có bảo đảm.

Hiện TTCK Việt Nam mới có 2 sản phẩm phái sinh và nhà quản lý đang tính toán xây thêm chỉ số VNX200 để làm cơ sở xây sản phẩm phái sinh mới. Ông có gợi ý gì về việc nên xây dựng sản phẩm phái sinh mới như thế nào để khớp được với khẩu vị nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

Chỉ số được sử dụng để làm cơ sở cho hợp đồng tương lai nên là một chỉ số mang tính đại diện cao của thị trường, cũng như hạn chế được sự thao túng giá.

Có thể thấy trên các thị trường phát triển, số lượng mã chứng khoán trong chỉ số thường là vài trăm mã, ví dụ chỉ số S&P 500, Nikkei 225, KOSPI 200.

Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá đến các yếu tố khác như chất lượng doanh nghiệp, vốn hóa, thanh khoản của từng cổ phiếu.

Do thị trường Việt Nam quy mô còn hạn chế, việc lựa chọn ra quá nhiều mã cổ phiếu sẽ khó đảm bảo được các yếu tố kể trên, dẫn đến việc chỉ số mới được xây dựng cũng không ưu việt hơn nhiều so với chỉ số VN30 hiện tại.

Hiện tại, ở Việt Nam đã có chỉ số VNX50 và VNX100 nhưng cũng không được sử dụng quá nhiều trên thị trường.

Trong thời gian gần đây, HNX đã tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về sản phẩm quyền chọn sẽ được triển khai. Sản phẩm này cho nhà đầu tư thêm rất nhiều lựa trong việc phòng ngừa rủi ro do sẽ bao gồm cả quyền chọn mua và quyền chọn bán (call& put options).

Đây là một sản phẩm được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm phái sinh và mang lại rất nhiều sự linh hoạt trong các chiến lược đầu tư của các thành phần tham gia thị trường.

Vậy đâu là góc nhìn của ông về tiềm năng thị trường phái sinh Việt Nam trong tương lai? 

Thị trường chứng khoán phái sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các công cụ phòng ngừa rủi ro, giúp cân bằng giá và tăng tính hiệu quả trên thị trường, giảm chi phí đầu tư, cải thiện thanh khoản cho thị trường…

Kể từ khi ra đời cách đây 3 năm, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời điểm giá trị danh nghĩa trên thị trường phái sinh vượt qua thị trường cơ sở.

Do đó, có thể nói nhu cầu nhà đầu tư đối với các sản phẩm chứng khoán phái sinh là rất lớn và rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Trong tương lai, khi các sản phẩm mới xuất hiện với các cấu trúc phong phú và sự đa dạng các tài sản cơ sở sẽ kéo theo ngày càng nhiều các thành phần khác nhau tham gia thị trường, bao gồm các tổ chức tài chính lớn với nhu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như đầu tư kiếm lời bằng rất nhiều các chiến lược giao dịch khác nhau.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cá nhân, do đây là một thị trường với mức độ rủi ro cao nên nhà đầu tư cần được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết trước khi tham gia thị trường này.

Là một trong số những công ty chứng khoán đầu tiên tham gia thị trường phái sinh, theo VNDIRECT, đâu là yếu tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh của công ty chứng khoán trên thị trường này?

Hiện tại, khối tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trên 2 giác độ: cung cấp nền tảng, công cụ hỗ trợ giao dịch và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhà đầu tư. Để tạo được lợi thế trên thị trường, CTCK cần có những thế mạnh về 3 yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất là công nghệ để xây dựng các nền tảng giao dịch và quản trị rủi ro. Thứ hai là con người, thể hiện ở năng lực chuyên môn để tư vấn và quản trị rủi ro và thứ ba là năng lực về tài chính.

Các sản phẩm phái sinh sẽ ngày càng phức tạp, tần suất giao dịch tăng lên gấp nhiều lần hiện tại, đặc biệt sau khi xuất hiện các giao dịch tần suất cao (high frequency trading).

Để đảm bảo các giao dịch được nhanh chóng, tăng tính bảo mật, cũng như các tính toán để đảm bảo hạn chế rủi ro thị trường về phía nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán, hệ thống và hạ tầng công nghệ cần được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, có chiều sâu.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ cũng cung cấp cho nhà đầu tư các dịch vụ hỗ trợ giao dịch như hệ thống khuyến nghị tự động, hệ thống giao dịch theo thuật toán, cũng như các loại lệnh giao dịch và chiến thuật với yêu cầu kĩ thuật cao.

Tiếp đó, yếu tố con người sẽ tạo nên sự khác biệt với những dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Đội ngũ nhân sự giàu chất xám sẽ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư.

Đối với một số sản phẩm đặc thu như chứng quyền có bảo đảm được phát hành bởi các công ty chứng khoán, đội ngũ vận hành, phân phối sản phẩm và phòng ngừa rủi ro đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sản phẩm công bằng, minh bạch và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Yếu tố cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là tiềm lực tài chính.

Năng lực phát hành các sản phẩm chứng quyền phụ thuộc vào tỷ lệ an toàn vốn của công ty chứng khoán.

Các công ty có năng lực nguồn vốn mạnh sẽ có lợi thế cạnh tranh nhất định khi tham gia các sản phẩm này.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục