Yếu tố cơ bản: Thị trường quốc tế ổn định, khối ngoại vẫn bán ròng
Các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu ghi nhận sự ổn định hơn trong tuần qua. Chỉ số chứng khoán Mỹ tỏ ra có sức phản kháng tốt với diễn biến của dịch Covid-19 khi vẫn trong trạng thái tăng điểm mạnh.
Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á có sự cải thiện, nhưng tâm lý còn rất thận trọng. Trong khi đó, thị trường Việt Nam nếu so sánh tương quan thì nằm ở trạng thái kém. Nhìn chung, góc nhìn liên thị trường đang dần ổn định hơn, nhưng chưa thể nói là đã quay trở lại xu thế tăng.
VN-Index trong trạng thái kém so với nhiều chỉ số chứng khoán quốc tế.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại đà bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần qua, khối ngoại bán ròng thêm 150 tỷ đồng, nâng tổng mức bán ròng trên VN30 kể từ sau Tết Nguyên đán lên khoảng 700 tỷ đồng.
Ðộng thái bán ròng liên tục của khối ngoại là sức ép không nhỏ cho khả năng hồi phục tiếp theo của thị trường.
Yếu tố kỹ thuật: Tích lũy ngắn hạn, giảm trung hạn
Tuần qua, thị trường duy trì nhịp hồi phục cho đến kết tuần, nhưng mức tăng càng ngày càng yếu. Tâm lý giao dịch phái sinh chủ yếu đi theo thị trường cơ sở, còn sự chủ động thuộc về phía bên bán. Ðộ lệch liên tục duy trì ở mức 6 - 7 điểm qua từng phiên.
VN30 và chứng khoán phái sinh đáo hạn tháng 2 hiện chưa thể hiện rõ xu hướng.
VN30 có trạng thái “cố rướn” quanh khu vực kháng cự 860 - 870 điểm. Trong bối cảnh xu hướng ngắn hạn không rõ ràng, nhà đầu tư nên tham chiếu vào xu hướng dài hạn hơn và hiện tại, xu hướng này đang là giảm.
Lực mua có dấu hiệu “đạt ngưỡng”.
Tâm lý dòng tiền có sự cải thiện trong tuần qua khi bên cầu có những thời điểm thể hiện sự chủ động, lực cung bán ra tăng theo lực mua nhưng sự áp đảo của bên mua ở một vài thời điểm vẫn giúp thị trường tiếp đà hồi phục.
Tuy nhiên, vấn đề vào lúc này là đường cầu có dấu hiệu đạt ngưỡng quanh khu vực 20%, phản ánh thực tế sức mua không còn lớn để tạo lực đẩy cho thị trường chung.
Đà lan tỏa bứt qua xu thế giảm.
Ðà lan tỏa cũng có sự cải thiện, nhưng thể hiện sự “đuối sức” nhất định. Ngoài ra, đây mới chỉ là nhịp hồi đầu tiên của đà lan tỏa sau nhịp trượt dài, do đó áp lực vẫn còn lớn.
Tuy nhiên, đà lan tỏa trong trung bình 10 phiên đang manh nha hình thành tín hiệu tạo đáy. Do đó, thị trường chung có một chỉ báo là đang có nền giá tốt.
Các nhóm ngành có sự phân hóa.
Ngân hàng là tác nhân chính cho nhịp hồi phục vừa qua của thị trường chung, nhưng bản thân trong nhóm này đang có sự phân hóa rõ nét.
Nếu tình trạng phân bổ cục bộ của dòng tiền chưa có sự cải thiện, thì khả năng bứt phá của thị trường chung sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của nhóm bất động sản cũng là bệ đỡ cho thị trường chung, nhưng điểm yếu là dòng tiền trong nhóm vẫn còn rất kém, nên khả năng trở thành nhóm dẫn dắt chưa được đánh giá cao.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh bán tại kháng cự, canh mua tại hỗ trợ
Xét ở các góc nhìn khác nhau thì đa số không ủng hộ cho khả năng hồi phục tiếp của thị trường chung trong thời gian tới, trước áp lực bán ròng của khối ngoại và sức lan tỏa một cách cục bộ của dòng tiền ở các nhóm ngành.
Trong tuần đáo hạn mã chứng khoán phái sinh kỳ hạn 1 tháng, khả năng sẽ chứng kiến nhiều sự chuyển biến lớn về mặt xu hướng, trong đó kịch bản thị trường xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh đang được đánh giá cao hơn.
Mã phái sinh kỳ hạn 1 tháng dự kiến sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh.
Mặc dù các chỉ số đang có những nhịp hồi khá đáng kể, nhưng xu hướng chính vẫn là giảm. Khu vực “cửa sóng” quanh vùng 860 - 870 điểm chưa được chinh phục.
Do vậy, chiến lược canh bán (Short) ở quanh vùng giá kháng cự vẫn là chiến lược tối ưu nhất trong tuần này. Trong kịch bản mua (Long), các nhịp điều chỉnh về khu vực 830 - 840 điểm nên được ưu tiên.